Các bị cáo đều thừa nhận cho vay sai quy định
Ngày 14.3, ngày đầu tiên xét xử cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (Đông Á Bank - DAB) Trần Phương Bình và cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C Phùng Ngọc Khánh cùng 6 đồng phạm về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", các bị cáo đều thừa nhận hành vi cho vay sai quy định.
Cụ thể, cả 2 bị cáo Trần Phương Bình và Phùng Ngọc Khánh đều thừa nhận thời điểm làm thủ tục vay tiền của DAB thì Công ty M&C có dùng 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đứng tên Công ty M&C) để làm tài sản thế chấp cho khoản vay của nhóm 5 công ty (1.680 tỉ đồng). Tuy nhiên, 2 bên chỉ ký hợp đồng thế chấp, sau đó không thực hiện công chứng và cũng chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.
Trong đó, bị cáo Phùng Ngọc Khánh thừa nhận, trước khi nhóm 5 công ty của M&C vay 1.680 tỉ đồng tại DAB, bị cáo có gặp, trao đổi và thỏa thuận trước với bị cáo Bình.
Giải thích lý do vì sao sử dụng 5 công ty để vay tiền, bị cáo Khánh cho biết, theo quy định về hạn mức cấp tín dụng của ngân hàng, một doanh nghiệp không được vay quá 15% vốn tự có nên bị cáo dùng 5 công ty để chia nhỏ các khoản vay, để vay được số tiền lớn hơn.
"Việc vay tiền tại DAB là bị cáo có gặp anh Bình để trao đổi phương án cơ cấu các khoản nợ của các công ty, bị cáo không bàn bạc hay trao đổi gì với các nhân viên cấp dưới", bị cáo Phùng Ngọc Khánh trả lời HĐXX.
Đây là vụ án thứ 4 ông Trần Phương Bình bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở 3 vụ án trước, ông Bình đều liên quan đến sai phạm về lĩnh vực ngân hàng, và cựu Tổng giám đốc DAB bị tuyên tổng hợp hình phạt tù chung thân.
Ông Phùng Ngọc Khánh đang thi hành án 30 năm tù, tổng hợp 2 bản án về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", và tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Lắt léo các khoản vay
Liên quan đến chứng thư bảo lãnh và khoản vay 146 tỉ của Công ty M&C, bị cáo Trần Phương Bình khai, thời điểm đó, DAB không đủ vốn để cho vay trung và dài hạn nên chỉ cho vay ngắn hạn.
Tuy nhiên, sau khi cho vay và đến hạn trả nợ, Công ty M&C không có nguồn tiền để chi trả cho DAB nên đã đi vay tại Ngân hàng An Bình bằng hình thức phát hành trái phiếu.
Để Công ty M&C có thể vay tiền ở Ngân hàng An Bình bằng trái phiếu, DAB đã phát hành chứng thư bảo lãnh với trị giá 120 tỉ đồng.
Cựu tổng giám đốc DAB khai bản chất của việc phát hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty M&C là để sau khi M&C vay được tiền từ Ngân hàng An Bình, thì DAB thu về được số tiền 120 tỉ đồng, qua đó kéo dài thời gian trả nợ cho Công ty M&C.
Tuy nhiên, khi đến hạn thanh toán trái phiếu, Công ty M&C không có tiền trả nợ cho Ngân hàng An Bình nên DAB phải cho Công ty M&C vay 2 khoản vay bắt buộc để trả cho Ngân hàng An Bình.
"Về khoản tiền 146 tỉ DAB cho Công ty M&C vay là do thời điểm đó, để không bị ảnh hưởng đến uy tín của DAB nên đã chỉ đạo cho Công ty M&C vay bắt buộc 146 tỉ để công ty này trả nợ gốc và lãi trái phiếu cho Ngân hàng An Bình", bị cáo Trần Phương Bình khai.
Từ các sai phạm cho vay trên, cáo trạng xác định Trần Phương Bình, Phùng Ngọc Khánh và 6 đồng phạm là cấp dưới của bị cáo Bình đã gây thiệt hại cho DAB hơn 5.500 tỉ đồng, trong đó hơn 1.826 tỉ đồng là tiền gốc, còn lại là lãi.
Chiều nay, HĐXX vẫn đang thẩm vấn các bị cáo.
Đông Á Bank yêu cầu gì ?
Về phần dân sự, tại tòa, đại diện Đông Á Bank (DAB - người bị hại) yêu cầu bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc DAB), Phùng Ngọc Khánh (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C) và các thành viên HĐQT liên quan đến 5 công ty đứng tên vay khoản vay 1.680 tỉ đồng tại DAB phải bồi thường cho DAB.
Đồng thời, DAB đề nghị HĐXX xem xét tính lãi các hợp đồng tín dụng liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo đến ngày xét xử sơ thẩm và tiếp tục thanh toán tiền lãi phát sinh sau ngày 14.2.2023 trên dư nợ gốc, cho đến khi khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Lý do yêu cầu tính lãi suất đến thời điểm thi hành án xong, theo đại diện DAB, ngân hàng phải huy động tiền gửi của người dân để cấp tín dụng. Và đến nay, ngân hàng cũng phải trả lãi tiền gửi hằng ngày, vì vậy các bị cáo phải chịu trách nhiệm về phần thiệt hại này.
Để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo liên quan trong vụ án, Đông Á Bank đề nghị HĐXX cho kê biên và phát mãi toàn bộ hơn 62.044 m2 đất thuộc dự án 7,6 ha (P.An Phú, TP.Thủ Đức) và hơn 2,6 triệu cổ phần của Công ty CP địa ốc Sài gòn M&C.