Các lãnh đạo Công ty bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) hôm 13/3 cho biết trước các nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng hiện tại họ đã được phép linh hoạt hơn khi bán SVB. Do giới chức công bố việc SVB đóng cửa là mối đe dọa với hệ thống tài chính.
Một cựu quan chức tài chính Mỹ cũng cho biết trên WSJ rằng coi SVB là rủi ro hệ thống sẽ giúp FDIC bảo đảm toàn bộ tiền gửi tại SVB, kể cả các khoản trên 250.000 USD. Theo quy định của FDIC, những khoản tiền gửi trên mức này sẽ không được bảo hiểm. Giới chức cũng có thể đưa ra các điều khoản hấp dẫn hơn với bên mua, như thỏa thuận chia sẻ khoản lỗ.
Trong buổi đấu giá đầu tiên vào ngày 12/3, không ngân hàng lớn nào của Mỹ tham gia. SVB chỉ nhận được một lời đề nghị mua từ một tổ chức tài chính và đã bị FDIC từ chối, theo thông báo của FDIC với các quan chức chính phủ hôm qua. Thời gian cho buổi đấu giá thứ hai chưa được ấn định.
FDIC tiếp quản Silicon Valley Bank hôm 10/3, sau khi ngân hàng này bị rút vốn ồ ạt, khiến họ không thể huy động vốn mới để củng cố tài chính. Trước đó, SVB có 209 tỷ USD tài sản và 175,4 tỷ USD tiền gửi. Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe các nhà băng, đặc biệt là những tổ chức chuyên cho vay startup.
Giới chức Mỹ đã phải ra hàng loạt thông báo trấn an, từ việc bảo đảm tiền gửi cho tất cả khách hàng của SVB, đến thành lập quỹ cho vay các ngân hàng với điều khoản dễ thở hơn bình thường. Ngoài Mỹ, SVB còn có chi nhánh ở Anh, Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ấn Độ, Israel và Thụy Điển.
Hôm qua, SVB tại Anh được HSBC mua lại với giá 1 bảng. Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tham gia hỗ trợ thương vụ. Họ cho biết phải can thiệp để bảo vệ người gửi tiền và lĩnh vực công nghệ nước này.
Hà Thu (theo WSJ)