Anh H., một phụ huynh ở quận Tây Hồ (Hà Nội), cho biết 15h chiều 13-3 đã nhận được cuộc gọi, người ở đầu dây kia nhận là cô giáo của con anh và cho biết con anh đang được cấp cứu ở Viện 354 (cũng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ).
Kịch bản lừa đảo được chuẩn bị bài bản
Trong lúc đang bối rối, lo lắng, anh H. lại nhận cuộc gọi thứ hai cho biết tình trạng con anh đang rất nặng và đưa điện thoại cho "bác sĩ" nói chuyện. Kẻ tự xưng bác sĩ cho biết cần chuyển gấp tiền để nhập viện. Trong lúc nói chuyện anh H. còn nghe cả tiếng còi cấp cứu nên đã rất hoảng sợ.
Sau khi nhận số tiền anh H. chuyển trong lúc hoảng loạn, kẻ lừa đảo vẫn tiếp tục gọi báo con anh phải chuyển viện. Khi được gia đình báo con đang ở nhà an toàn, anh H. mới biết mình bị lừa.
Cũng trong ngày 13-3, hai phụ huynh ở Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên y tế, giáo viên của trường báo "con nhập viện, cần chuyển tiền gấp". Kẻ điện thoại cho biết học sinh bị ngã trong lúc tập thể dục. Thông tin về học sinh, về giáo viên đều rất chính xác, cụ thể. Nhưng cả hai phụ huynh ở Trường THPT Chu Văn An đều cảnh giác nên đã điện thoại cho nhà trường xác minh.
Khi chia sẻ về chiêu lừa "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp", một số phụ huynh cho biết nhóm lừa đảo có sự đầu tư chuẩn bị để đưa phụ huynh nhẹ dạ cả tin "vào tròng".
"Chúng không chỉ có một người mà nhiều người đóng vai nhân viên, giáo viên, bác sĩ và biết cách gây áp lực, dồn ép để các phụ huynh rối trí không có thời gian để suy nghĩ", một phụ huynh nói.
Hà Nội, TP.HCM nỗ lực chống lừa đảo
Ngay trong chiều tối 13 và ngày 14-3, hàng loạt trường học tại Hà Nội đã gửi thông tin đến từng phụ huynh học sinh.
Trong thông báo đến phụ huynh, Trường liên cấp Marie Curie Hà Nội nêu rõ: "Khi có sự việc bất thường xảy ra đối với học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc trực tiếp đến phụ huynh. Nếu cần tiền để làm thủ tục nhập viện, nhà trường sẽ chủ động thu xếp, phụ huynh không phải chuyển tiền cho bất kỳ ai...".
Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng nói rõ: "Nếu có trường hợp học sinh phải cấp cứu thì nhà trường có trách nhiệm chăm sóc, bàn giao khi gia đình tới chứ không yêu cầu phụ huynh đóng tiền tạm ứng".
Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) còn thiết kế cả bảng cảnh báo có sơ đồ về chiêu lừa đảo, thông tin ngắn gọn về vụ lừa đảo điển hình, những điểm cha mẹ học sinh cần lưu ý, những việc cần làm khi nhận được thông tin lừa đảo...
Chiều 14-3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng có văn bản đề nghị các trường tăng cường biện pháp tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, phối hợp tốt giữa nhà trường và phụ huynh để đối phó với tình trạng lừa đảo tinh vi như đã xảy ra. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thông tin của cán bộ, giáo viên và học sinh.
Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã gửi văn bản đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn nạn lừa đảo này lan rộng.
Về giải pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị giáo dục trên địa bàn rà soát, kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin của học sinh, sinh viên, giáo viên, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình. Trong đó yêu cầu các đơn vị giáo dục trực thuộc phải công khai đường dây nóng trên web của các đơn vị, đảm bảo được sự kết nối, liên lạc thông tin giữa nhà trường và gia đình học sinh, sinh viên...
Ứng xử sao với lừa đảo "đánh vào lòng thương người"?
Ông Tăng Chí Thượng (giám đốc Sở Y tế TP.HCM):
Tăng cường bảo mật thông tin người bệnh
Khi tiếp nhận thông tin liên quan đến các vấn đề về điều trị bệnh tại các cơ sở y tế và nghi ngờ có dấu hiệu giả mạo, lừa gạt, đề nghị người dân ngoài việc báo tin kịp thời đến cơ quan công an, nên thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế qua số 0967.77.10.10 hoặc số 028.3930.7916, và cả đường dây nóng của các bệnh viện để được hỗ trợ xác nhận thông tin.
Sở yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn cần tăng cường việc bảo mật thông tin người bệnh đang điều trị tại các khoa, phòng, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.
Ông Lê Nguyễn Thanh Nhàn (trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)):
Cần bình tĩnh xác minh
Hình thức lừa đảo gần đây chủ yếu đánh vào lòng thương người. Các đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở chỉ có những người làm trong ngành mới nắm rõ để dễ lấy lòng tin của mọi người.
Đối với việc làm giả giấy tờ của bệnh viện để kêu gọi, quyên góp hoặc những trường hợp khẩn cấp, người dân cần bình tĩnh, gọi điện ngay đến các nơi có liên quan và đường dây nóng của bệnh viện để xác nhận lại. Trường hợp muốn đóng góp hỗ trợ người bệnh có thể liên hệ trực tiếp với phòng công tác xã hội của bệnh viện để xác minh thông tin và hướng dẫn.
Bác sĩ Trần Quang Huy (khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM)):
"Sập bẫy" vì tâm lý lo lắng
Các đối tượng lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý lo lắng của các bậc cha mẹ, nếu không bình tĩnh có thể "sập bẫy". Sau khi nhận cuộc gọi, phụ huynh cần liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, hoặc các đường dây nóng của nhà trường để xác minh. Chỉ cần bình tĩnh, phụ huynh sẽ không "sập bẫy" đối phương.
THU HIẾN ghi
Chiều ngày 14-3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản chỉ đạo các nhà trường ứng phó với chiêu lừa 'con cấp cứu'.
Xem thêm: mth.24164857051303202-gnor-nal-uuc-pac-gnad-noc-aul-ueihc-nahc-nagn/nv.ertiout