Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina đã đạt mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây. Kể từ năm 1991, lạm phát mới lại vượt mức 100%. Đây là dấu hiệu cho thấy các biện pháp chế ngự giá cả của Argentina đã không hiệu quả.
Theo cơ quan thống kê Indec của chính phủ, giá cả đã tăng 6,6% trong tháng 2, nâng con số 12 tháng lên 102,5%. Đây là tốc độ tăng lạm phát nhanh nhất kể từ khi Argentina thoát khỏi cuộc khủng hoảng siêu lạm phát vào thập niên 1990. Đó là thời điểm khiến tỷ lệ lạm phát của nước này được xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của người dân Argentina, kế đó là tham nhũng và nghèo đói.
Giá cả tăng vọt một phần là từ hoạt động in tiền của ngân hàng trung ương. Theo dữ liệu từ ngân hàng, lượng tiền lưu thông đã tăng gấp 4 lần trong 3 năm đầu tiên ông Fernández nắm quyền.
Theo số liệu mới nhất, Argentina là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Họ chỉ xếp sau Zimbabwe, Lebanon, Venezuela và Syria. Tất cả đều ghi nhận lạm phát ba chữ số vào năm ngoái.
Các nhà kinh tế học dự đoán rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong suốt năm 2023. Họ cũng hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp chính phủ đưa ra.
Một kế hoạch kiểm soát giá có tên Precios Justos, tức “Giá cả hợp lý”, đã tạm thời đóng băng giá của hơn 1.700 mặt hàng cho đến tháng 12. Nhưng điều đó không đủ để xoa dịu đà tăng giá, vì nền kinh tế Argentina bị mất cân bằng nghiêm trọng.
Các biện pháp kiểm soát giá tương tự được đưa ra vào năm 2021 là không đủ để ngăn giá cả leo thang và tâm lý người tiêu dùng liên tục xấu đi.
Đầu tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi Argentina mạnh mẽ giải quyết lạm phát để giữ cho chương trình hỗ trợ trị giá 44 tỷ USD đi đúng hướng.
IMF cũng đã cảnh báo những thất bại về chính sách, trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng phá hủy mùa màng và làm ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản. Đây vốn là nguồn thu quan trọng của quốc gia này. Dự trữ ngoại tệ của Argentina dao động khoảng 4,2 tỷ USD trong tháng 2.
Theo FT