Ngày 15/3, Công an TP HCM bắt tạm giam 14 người là quản lý, lãnh đạo, nhân viên Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (phường 1, quận Tân Bình) và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ (phường 15, quận Tân Bình) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Trong đó, Nguyễn Minh Thành (quản lý CP Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng) và Trần Hà Anh Thư (Trưởng phòng tín chấp, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ) có vai trò cầm đầu.
Động thái này được đưa ra sau khi Công an TP HCM tiếp nhận nhiều đơn kêu cứu của người dân, cho biết bị những thanh niên xưng là nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện đe doạ, gửi hình ảnh có tính chất khủng bố, vu khống, xúc phạm nhân phẩm lên mạng xã hội. Thậm chí, bạn bè, người thân, nơi làm việc của họ cũng bị những người này đe dọa.
Vào cuộc điều tra, cảnh sát xác định, những người có hành vi khủng bố để đòi nợ là nhân viên Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ. Họ được các ông chủ phân công nhiệm vụ theo từng cấp bậc (nhân viên, quản lý, trưởng nhóm); áp chỉ tiêu doanh số thu hồi nợ, chi thưởng hoa hồng theo lũy tiến trên tổng số tiền nợ thu hồi.
Đầu tháng 3, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP HCM phối hợp Công an quận Tân Bình bất ngờ ập vào "đại bản doanh" của hai công ty trên, bắt hàng loạt người; thu giữ cả trăm máy tính, điện thoại di động... có chứa các dữ liệu, thông tin quan trọng về việc đòi nợ thuê.
Nhà chức trách xác định, hai doanh nghiệp này đã mua hồ sơ người vay tiền từ một công ty tài chính có trụ sở ở Hà Nội.
Khai với cơ quan điều tra, Thành cho biết, nhân viên Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng được chia thành 4 đội, mỗi đội 7-10 người. Mỗi tháng, một nhân viên trung bình thực hiện 2.500-3.000 cuộc gọi khủng bố để đòi nợ, tổng số tiền đòi được từ 2-3 tỷ đồng.
Còn Thư khai, với vai trò Trưởng phòng tín chấp Công ty Luật Thế hệ trẻ, cô và nhân viên sẽ xử lý các trường hợp "đã khủng bố đòi tiền nhưng bất thành". Họ sẽ gửi văn bản đòi nợ đến tận nhà, hoặc nơi làm việc của người vay để tiếp tục dọa kiện, hoặc "báo công an khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Cảnh sát cho rằng, với tần suất đòi nợ như trên, mỗi tháng có hơn 100 người phải trả tiền nợ và lãi suất cho nhóm đòi nợ thuê này. Mỗi khi đòi nợ thành công, phía thu nợ sẽ được công ty tài chính ở Hà Nội (nơi bán nợ) trả công lên đến 86%.
Theo cơ quan điều tra, vì lợi nhuận quá lớn nên lãnh đạo các công ty đòi nợ thuê đã chỉ đạo nhân viên ráo riết khủng bố nạn nhân với tần suất và mức độ dày đặc.
Thời gian gần đây Bộ Công an và công an các tỉnh thành liên tục triệt phá các đường dây đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty tài chính.
Trưa 14/2, hơn trăm cảnh sát vũ trang thuộc Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) Công an Tiền Giang, TP HCM, đã ập vào trụ sở Công ty Pháp Việt (quận Tân Bình) bắt quả tang 133 người đang đòi nợ thuê; thu giữ 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản...
Nhà chức trách xác định có hàng nghìn người ở Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, TP HCM, Hà Nội... bị Công ty Luật TNHH Pháp Việt đòi nợ kiểu xã hội đen.
Hay trước đó, hồi tháng 12/2022, Công an TP HCM cũng triệt phá ổ nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law để Vu khống đòi nợ. Công ty này có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay, sau đó đi thu hồi nợ.
Cảnh sát xác định, mô hình này không phải tín dụng đen, mà lợi dụng không gian mạng để khủng bố tinh thần, vu khống người vay. Có hàng trăm bị hại trên cả nước đã bị nhóm người này bôi nhọ danh dự, buộc phải trả nợ. Không chỉ người vay tiền, mà người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên mạng bêu rếu.
Quốc Thắng
Xem thêm: lmth.6671854-nog-ias-o-euht-on-iod-yt-gnoc-iah-hcik-tod-tas-hnac/ten.sserpxenv