Cổ phiếu Credit Suisse chốt phiên hôm 15/3 giảm 24%, xuống thấp kỷ lục. Trong phiên, mã này có thời điểm mất tới 31%. Theo S&P Global Market Intelligence, khoản phí với hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ kỳ hạn 5 năm của Credit Suisse cũng lập kỷ lục mới với 574 điểm cơ bản (5,74%). Phí này tăng đồng nghĩa nhà đầu tư cho rằng rủi ro vỡ nợ của ngân hàng đang cao lên.
Đà giảm cũng lan sang nhiều cổ phiếu ngân hàng châu Âu khác. Các nhà băng Pháp và Đức như BNP Paribas, Societe Generale, Commerzbank và Deutsche Bank mất 8-12%. Cổ phiếu các ngân hàng Italy và Anh cũng lao dốc phiên 15/3.
Vấn đề tại Credit Suisse một lần nữa làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank cuối tuần trước. Tuy nhiên, những rắc rối tài chính của Credit Suisse không phải mới xuất hiện.
Credit Suisse thành lập năm 1856 và là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới. Nhà băng này được Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) xếp vào nhóm "ngân hàng có tầm quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu". Nhóm này gồm 30 ngân hàng trên thế giới, trong đó có JP Morgan Chase, Bank of America và Bank of China.
Tuy nhiên, năm ngoái, ở thời điểm các công ty tại Wall Street đều báo lãi, Credit Suisse lại lỗ 3 quý liên tiếp. Ngân hàng này cũng cho vay Archegos Capital Management - quỹ đầu tư đã sụp đổ năm 2021 của Bill Hwang và lỗ 5,5 tỷ USD vì không rút chân nhanh như các đối thủ Goldman Sachs, Morgan Stanley. Họ cũng đang vướng vào các vụ kiện tụng có thể kéo dài 5 năm do các khoản vay cấp cho quỹ đầu tư Greensill Capital đã phá sản.
Hồi tháng 10/2022, họ bị giới chức Mỹ và Anh phạt 475 triệu USD vì cho vay các công ty quốc doanh tại Mozambique. Nhà băng này cũng vướng vào cáo buộc cho phép những kẻ buôn ma túy rửa tiền tại Bulgaria. Credit Suisse năm ngoái đã phải hoãn kế hoạch tăng vốn cho một quỹ đầu tư bất động sản, với lý do biến động thị trường.
Hàng loạt scandal liên tiếp khiến cổ phiếu Credit Suisse năm ngoái giảm gần 70%. Các khách hàng cũng lo ngại về sức khỏe của nhà băng này và rút tiền kỷ lục trong quý IV, với hơn 110 tỷ franc Thụy Sĩ (120 tỷ USD). Credit Suisse ghi nhận lỗ ròng gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD) năm ngoái - lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
CEO Ulrich Koerner sau đó đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp để thu hút khách hàng quay lại. Kế hoạch 3 năm mà ông công bố năm ngoái gồm cắt giảm 9.000 việc làm, tách riêng mảng ngân hàng đầu tư và đưa Credit Suisse quay về làm ngân hàng cho giới siêu giàu. Việc này đồng nghĩa họ sẽ phải tách First Boston – ngân hàng đầu tư Mỹ được mua năm 1990, để niêm yết năm 2025.
Họ cũng sẽ phải bán mảng các sản phẩm chứng khoán hóa cho quỹ đầu tư Apollo Global Management. Tuy nhiên, việc này hiện gặp khó do làn sóng bán tháo trong ngành tài chính sau vụ sụp đổ của SVB và Signature Bank.
Những nỗ lực trên phát huy hiệu quả phần nào trong tháng 1, khi Credit Suisse ghi nhận tiền gửi ròng tăng lên. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) lại nghi ngờ độ chính xác của báo cáo tài chính năm 2022, buộc họ hoãn công bố.
Sự hoảng loạn càng tăng thêm sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank bị đóng cửa cuối tuần trước. Nhà băng này là nạn nhân của các khoản đầu tư mạo hiểm và lãi suất tăng nhanh trên toàn cầu, khiến giá trị danh mục đầu tư trái phiếu của họ giảm mạnh. Nhà đầu tư vì thế bắt đầu bán tất cả tài sản họ cảm thấy rủi ro, đồng thời rút tiền gửi ra khỏi các ngân hàng.
Cổ phiếu Credit Suisse đã giảm liên tiếp kể từ phiên 3/3. Đến ngày 14/3, Credit Suisse công bố báo cáo thường niên cho năm 2022. Trong đó, họ cho biết đã phát hiện ra "các điểm yếu" trong việc kiểm soát báo cáo tài chính và vẫn chưa đảo ngược được việc khách hàng rút tiền khỏi đây.
Đến hôm 15/3, mức giảm càng tăng tốc khi Chủ tịch Saudi National Bank Ammar Al Khudairy - cổ đông lớn nhất của họ - phủ nhận khả năng tăng đầu tư. "Chúng tôi chắc chắn không làm điều đó, vì nhiều lý do, trong đó đơn giản nhất là vì pháp lý. Mức sở hữu là 9,8% rồi và nếu vượt 10%, chúng tôi sẽ phải tuân thủ theo các quy định mới, dù là của giới chức châu Âu hay Thụy Sĩ", ông nói.
Việc này khiến Credit Suisse phải tìm đến Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ để trấn an thị trường. Thông báo chung hôm 15/3 của Cơ quan quản lý thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) cho biết Credit Suisse đáp ứng "các quy định khắt khe về vốn và thanh khoản" đối với một ngân hàng có tầm quan trọng lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu. Họ khẳng định "sẽ cấp thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết".
Thông báo cũng khẳng định vấn đề "của một số ngân hàng Mỹ không gây rủi ro lan truyền trực tiếp đến thị trường tài chính Thụy Sĩ". Sau đó vài giờ, Credit Suisse cũng tuyên bố sẽ vay tối đa 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,7 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương.
Giới phân tích cho rằng Credit Suisse sẽ khó sụp đổ như SVB cuối tuần trước và Lehman Brothers năm 2008. Credit Suisse có lượng tài sản thanh khoản lớn, có khả năng tiếp cận các công cụ cho vay của ngân hàng trung ương, đồng thời ít nhạy cảm với biến động lớn về lãi suất.
Họ cũng đã gây dựng được bộ đệm để đối phó với việc tiền gửi bị rút ra, sau làn sóng rút tiền tồi tệ hồi tháng 10/2022. Ngân hàng này cũng có đủ tài sản thanh khoản để trả nửa khối nợ, theo Paul J. Davies – nhà phân tích tại Bloomberg. Koerner khẳng định LCR (tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán) của Credit Suisse cho thấy họ có đủ khả năng chống chịu với một tháng bị rút tiền ồ ạt nữa.
Hà Thu (theo Bloomberg, CNN)