Dân quân phường phải lật đật đem đến chồng ghế nhựa khi thấy người dân liên tục bước qua cổng. Tiếng đóng mộc của cán bộ sao y nghe đồm độp; tiếng điện thoại reo liên hồi, cán bộ hộ tịch chỉ kịp gác máy rồi tiếp tục công việc.
Đấy là chuyện thường ngày ở Bình Hưng Hòa A - phường đông dân nhất nhì TP.HCM với hơn 125.000 nhân khẩu.
Hiện tổng số biên chế mà phường được giao là 36, trong đó cán bộ, công chức là 22, cán bộ không chuyên trách là 14 người. Với con số đó, tính ra mỗi cán bộ phải phục vụ hơn 3.497 người dân.
Đến làm thủ tục đăng ký mua bảo hiểm y tế, ông Hải Đăng (cư dân khu phố 9) không khỏi bất ngờ khi mới 9h trụ sở phường đã chật kín người. "Mình là dân, lên phường ngồi chờ một chút thôi đã thấy mệt và cằn nhằn nếu phải đợi lâu.
Trong khi cán bộ công chức phải ở đây cả ngày, phải tiếp hết lượt này lượt khác. Ít ra cũng phải tăng thêm người để người ta còn thay thế, nghỉ ngơi giữa buổi", ông Đăng nói và cho biết bản thân rất ủng hộ đề xuất tăng biên chế tùy vào quy mô dân số.
Phòng làm việc ở cạnh khu vực tiếp dân, ông Trần Hoàng Dũng - phó chủ tịch UBND phường - cứ mong có thể giúp việc xác nhận hồ sơ nhanh hơn, hỗ trợ anh em cán bộ khác.
Ông Dũng cho biết hiện trung bình mỗi cán bộ của phường đảm nhận khoảng 30 đầu việc. Cán bộ phụ trách kinh tế nhận tới 45 đầu việc, thủ quỹ - văn thư - lưu trữ 35 đầu việc.
Về quy mô quản lý, trước mỗi cán bộ kinh tế phường lo 5 - 7 khu phố với hơn 1.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể nhưng giờ chỉ còn một người phải lo hết 27 khu phố với 5.598 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.
Theo ông Dũng, khi biết Bộ Nội vụ đề xuất cho TP.HCM định biên biên chế phường theo quy mô dân số, anh em rất phấn khởi.
Ông cho rằng đề xuất này hết sức phù hợp vì "muốn phục vụ nhân dân tốt hơn thì phải có số lượng biên chế phù hợp để vừa phục vụ tốt cho nhân dân nhưng bộ máy không cồng kềnh, vừa giảm tải công việc cho cán bộ, công chức phường để họ an tâm công tác".
Ông Trương Công Dũng, cán bộ tư pháp hộ tịch phường, là một trong những cán bộ thường xuyên làm việc ngoài giờ để giải quyết hết hồ sơ tồn đọng hằng ngày.
"Nếu tăng được biên chế thì khối lượng công việc hiện tại sẽ vừa sức, cán bộ sẽ sắp xếp và chủ động được trong lịch làm việc. Từ đó cán bộ có thời gian học tập chuyên sâu hơn trong lĩnh vực chuyên môn, cũng như nâng cao nghiệp vụ của mình", ông Công Dũng chia sẻ.
Tình trạng làm việc hết hơi cũng xảy ra ở Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) - xã đông dân nhất TP.HCM với hơn 160.000 nhân khẩu, bằng nửa dân số tỉnh Bắc Kạn và tương đương dân số quận Phú Nhuận. Mới 13h, tiếng lật giấy sột soạt đã bắt đầu bởi người dân đã đến kín hết các bộ phận tiếp nhận.
Mỗi ngày phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của xã phải xử lý hơn 350 hồ sơ hành chính.
Tuy lượng việc nhiều, nhưng lượng biên chế cũng chỉ được giao ngang với các phường xã khác là 36. Không chỉ vậy, thực tế hiện nay phường đang khuyết 4 biên chế và 1 vị trí cán bộ không chuyên trách.
Phải nhờ cán bộ khác hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Như An - cán bộ tư pháp hộ tịch xã - mới có thể tiếp chuyện chúng tôi. Bộ phận này giờ chỉ còn duy nhất chị phụ trách, chồng hồ sơ sau lưng chất cao hơn cả đầu người.
Chị An cho biết do khuyết người nên suốt mấy tháng qua cả việc đi tái khám cho bản thân sau lần phẫu thuật khớp chị cũng chưa thể sắp xếp đi.
"Đề xuất tăng biên chế chúng tôi ai cũng ủng hộ, cứ như được tiếp thêm động lực để tiếp tục với công việc hiện tại. Chưa nghĩ về phần mình mà chỉ mong được tăng thêm nhân lực, công việc phân bổ vừa phải, cán bộ cũng niềm nở, thoải mái và giải quyết thủ tục cho người dân được chu đáo hơn", chị An tâm tình.
TTO - "Việc tuyển người về phường rất khó bởi hầu hết cán bộ, công chức rất e ngại về các phường đông dân số", giãi bày của lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) khi nói về thực trạng thiếu hụt nhân lực tại phường.
Xem thêm: mth.85453910161303202-mch-pt-ihn-tahn-nad-gnod-ax-gnouhp-o-ioh-teh-ceiv-mal-yagn-tom/nv.ertiout