Theo Hãng tin Reuters, việc thành lập Ủy ban Tài chính trung ương sẽ kéo theo sự giải thể của Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính (FSDC) Trung Quốc - một cơ quan quyền lực được thành lập vào năm 2017.
Theo truyền thông Trung Quốc, Ủy ban Tài chính trung ương sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển và giám sát ở cấp cao nhất với ngành tài chính, và tăng cường "sự lãnh đạo thống nhất về công tác tài chính".
Để củng cố vai trò tư tưởng và chính trị của Đảng trong hệ thống tài chính tổng thể của Trung Quốc, một ủy ban công tác tài chính trung ương riêng biệt cũng sẽ được thành lập.
Theo Hãng tin Reuters, trong cuộc họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc tuần qua, một kế hoạch cải cách chi tiết cho các cơ quan nhà nước đã được công bố.
Dưới sự điều hành của Hội đồng Nhà nước do tân Thủ tướng Lý Cường đứng đầu, Trung Quốc sẽ thành lập Cơ quan quản lý tài chính quốc gia có nhiệm vụ điều chỉnh ngành tài chính trị giá 57.000 tỉ USD của đất nước, trừ lĩnh vực chứng khoán.
Cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm sẽ bị bãi bỏ và một số chức năng nhất định của ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý chứng khoán sẽ được chuyển giao cho cơ quan quản lý tài chính mới.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ thành lập ủy ban công nghệ trung ương mới để tăng cường sự lãnh đạo tập trung của Đảng với khoa học và công nghệ.
Một văn phòng trung ương cho Hong Kong và Macau do đảng giám sát sẽ được thành lập để giám sát việc thực hiện chính sách "một quốc gia, hai chế độ" và thực hiện sự quản lý của chính quyền trung ương ở hai khu vực hành chính này.
Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau thuộc Quốc vụ viện sẽ bị bãi bỏ.
Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành việc tổ chức lại các cơ quan chính quyền trung ương vào cuối năm 2023.
Ngày 13-3, Quốc hội Trung Quốc khóa XIV đã bế mạc sau khi bầu ra các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cùng một số cơ quan chủ chốt khác. Đây sẽ là những người chèo lái đất nước tỉ dân trong ít nhất năm năm tới.
Xem thêm: mth.30983321261303202-gnou-gnurt-neyuq-hnihc-nauq-oc-ueihn-ot-iac-couq-gnurt/nv.ertiout