Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới, cùng với những vấn đề phát sinh trong nước và những tác động tiêu cực dài hạn của dịch COVID-19, khu vực doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp.
Còn rất nhiều việc phải làm
Bình luận tại tại toạ đàm giải pháp khơi thông thị trường vốn sáng nay, 17-3, nhiều chuyên gia đánh giá cao sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành mà nổi bật là sự ra đời của Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp.
Song để Nghị định 08 cùng các nghị quyết về khơi thông thị trường vốn của Chính phủ sớm mang lại hiệu quả trên thực tiễn, còn rất nhiều việc phải làm.
Một trong những công việc ấy, theo TS Cấn Văn Lực, là cần quyết liệt xử lý nhanh chóng, dứt điểm, nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát việc đại chúng hóa ở thị trường thứ cấp, qua đó lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Trong một thị trường dựa nhiều vào niềm tin như vậy, cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức tư vấn độc lập, đạo đức, trách nhiệm cao về đầu tư trái phiếu; nâng cao chất lượng dòng tiền của tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng.
“Đây vẫn là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là cho những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào”, ông Lực nói.
Chuyên gia cho rằng, muốn khai thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng phải được cải tổ một cách toàn diện. Ảnh minh hoạ |
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Vietinbank Securities nhận định, dù Nghị định 08 đã tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn cần khuyến khích, kiên trì đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Đây cần được coi là một nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, làm minh bạch thị trường. Cùng với đó, có thể khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và khu vực. Tham gia vào các diễn đàn và hợp tác quốc tế về việc xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tiềm năng tăng trưởng trung, dài hạn
Để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh, góp phần khơi thông dòng vốn dài hạn cho các doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng cần đa dạng hóa các sản phẩm thị trường chứng khoán, đẩy mạnh IPO các doanh nghiệp nhà nước trong khối dầu khí, viễn thông, điện… đa dạng hóa và nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, bên cạnh thị trường trái phiếu, cần cải tổ, thanh lọc mạnh mẽ thị trường tín dụng.
“Muốn khai thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng phải được cải tổ một cách toàn diện và thực chất. Nếu chúng ta đi tìm những giải pháp để khơi thông nguồn vốn mà hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn đó chính là ngân hàng và hệ thống ngân hàng chưa hoạt động một cách hiệu quả thì việc khơi thông nguồn vốn chỉ mang tính ngắn hạn và giải quyết tình thế”, TS Hiếu phân tích.
Về triển vọng thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhận định mặc dù còn nhiều khó khăn, song nền kinh tế nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng vẫn duy trì tiềm năng tăng trưởng trung, dài hạn.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới là lạm phát có xu hướng giảm, dẫn tới lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng chậm lại. Trung Quốc dần nới lỏng chính sách Zero-COVID, mở cửa lại từ đầu năm 2023.
Dịch bệnh, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn trong nước cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát. Đây là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho quá trình khơi thông thị trường vốn đang diễn ra.