Từng khiến cả gia đình chao đảo khi bị công ty cầm đồ "khủng bố" để đòi nợ, nhưng giữa năm 2022, anh Đức vẫn một lần nữa tìm đến dịch vụ này trong cơn tuyệt vọng về tài chính. Tài sản duy nhất lúc này là chiếc xe máy nên anh cầm giấy tờ xe tại một cửa hàng ở đường Láng, Hà Nội, vay 9 triệu đồng.
Không thủ tục phức tạp, Đức chỉ phải để lại giấy tờ xe, chứng minh thư nhân dân và cung cấp số điện thoại người thân là được giải ngân ngay với lãi suất 9.000 đồng/ngày. Đức còn được "tạo điều kiện" thuê lại chính xe của mình với giá 400.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, ngoài khoản lãi suất "hợp pháp" như ghi trên hợp đồng, anh còn phải chi thêm các khoản, như bảo hiểm khoản vay, thẩm định tài sản, thẩm định khoản vay, bảo quản tài sản. Cộng các chi phí phát sinh cùng lãi suất cố định, sau hơn ba tháng, Đức phải trả 14,8 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
Những trường hợp cầm đồ vay tiền phải chịu nhiều khoản chi phí phát sinh như Đức hiện khá phổ biến. Theo tìm hiểu của VnExpress, cửa hàng cầm đồ hiện nay công khai cho vay với mức lãi nằm trong quy định (không quá 20%/năm). Nhưng người cầm cố tài sản còn phải chấp nhận các thỏa thuận, như tiền phạt, bảo hiểm, chi phí bảo quản tài sản hoặc thuê lại khiến tổng lãi suất tăng thêm đến 6-8%/tháng, nghĩa là 72-96%/năm.
Vì không muốn hoặc không thể đáp ứng được các điều kiện cho vay khắt khe của ngân hàng nên nhiều người chọn hình thức "vay nhanh" này. Đổi lại, khách hàng không trả đúng hạn sẽ bị đòi nợ theo kiểu "xã hội đen", gây bất ổn đời sống xã hội. Đây chính là hệ lụy khiến công an cả nước gần đây liên tiếp triệt phá các nhóm đòi nợ quy mô lớn với cáo buộc phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo một chuyên gia tài chính, nhu cầu vay tiền kiểu "nhanh, gọn" của người dân ngày càng lớn, đặc biệt sau Covid-19. Hai loại hình cho vay phổ biến là cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng. Cho vay tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, quản lý và giám sát theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật doanh nghiệp.
Còn cầm đồ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do Bộ Công an quản lý và chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự về cầm đồ.
Hà Nội có hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, TP HCM hơn 2.700. Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hoá mỗi địa phương từ 250 đến 700. Trong số này, nhiều công ty cầm đồ đang hoạt động bị biến tướng, gây ra các hệ lụy cho người dân có nhu cầu vay tiền.
Luật sư Nguyễn Đức Thịnh cho biết việc vay mượn dưới hình thức cầm đồ hiện phải tuân thủ giới hạn lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nhưng thực tế, ngoài khoản lãi suất theo đúng pháp luật, các tiệm cầm đồ còn đưa các yêu cầu về chi phí phát sinh. Cụ thể, giữ lại một phần tiền ngay từ khi cho vay, tính lãi nhập gốc, phí ngoài lãi, phí thẩm định khoản vay, thẩm định tài sản, bảo quản tài sản, lãi suất phạt vi phạm...
Điều này khiến tổng lãi suất phải trả cho khoản vay của khách hàng tăng gấp hàng chục lần, vượt mức cho phép. Tuy vậy, pháp luật lại chỉ quy định về mức lãi suất không được vượt quá, không có văn bản pháp lý hướng dẫn về các chi phí phát sinh khác mà chủ cơ sở cầm đồ được phép thu.
"Ví dụ, chủ tiệm cầm đồ đưa ra mức lãi suất 12% một năm nhưng yêu cầu khách hàng phải chi thêm các khoản phát sinh ngoài. Nhưng trên hợp đồng chỉ ghi lãi suất theo đúng quy định, nên đây là kẽ hở khiến khó xử phạt chủ tiệm cầm đồ về hành vi cho vay vượt lãi suất", luật sư Thịnh phân tích.
Vì thế, nếu bị "sờ tới", nhà chức trách chỉ có thể phạt họ về vi phạm trong lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản... Mức phạt theo quy định lại rất thấp, không đủ sức răn đe.
Luật sư Thịnh kiến nghị cần ban hành quy định rõ ràng về cách thức vận hành, hoạt động của công ty cầm đồ và các quy định chi tiết về các loại phí được phép yêu cầu khách hàng thực hiện. Việc này giúp người dân đi vay sẽ không bị "bóp cổ" và tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải đứng trước ranh giới mong manh giữa hình sự và dân sự.
Xem thêm: lmth.7351854-od-mac-gnod-taoh-gnort-yl-pahp-oh-ek/ten.sserpxenv