Chuyến thăm của người đứng đầu CDC diễn ra nhân dịp kỷ niệm 25 năm CDC Mỹ hiện diện ở Việt Nam.
Bác sĩ Walensky cho biết trong chuyến công tác, bà đã ký ý định thư với Bộ Y tế về việc phát triển trung tâm CDC quốc gia Việt Nam để Việt Nam sẵn sàng điều phối các phản ứng trước các vấn đề khẩn cấp y tế.
Việt Nam và an ninh y tế toàn cầu
Bà Walensky cho biết CDC Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng văn phòng CDC quốc gia để chuẩn bị cơ sở vật chất và sẵn sàng nguồn nhân lực về dịch tễ được đào tạo.
Cơ quan CDC quốc gia sẽ thu thập dữ liệu về dịch bệnh, có hệ thống giám sát dịch bệnh cũng như được tăng cường năng lực về xét nghiệm để phát hiện sớm - ngay khi phát sinh - các rủi ro y tế cộng đồng.
"Tôi tin rằng khi xây dựng được các nền tảng về hạ tầng và nhân lực, chúng ta sẽ sẵn sàng để ứng phó với bất cứ đe dọa sức khỏe cộng đồng nào. Tôi tin CDC quốc gia Việt Nam sẽ làm được sứ mệnh này", bà phát biểu.
Bà cho biết rất nhiều công việc của CDC liên quan đến việc chuẩn bị sẵn sàng trước các mối đe dọa y tế cộng đồng mới.
Do đó tại Việt Nam, từ lâu CDC Mỹ đã có chương trình đào tạo về dịch tễ học thực địa ngắn hạn và dài hạn cho nhân viên y tế phối hợp cùng Bộ Y tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các mô hình dịch bệnh đặc trưng của Việt Nam.
Bà cũng chỉ ra vai trò của Việt Nam với an ninh y tế toàn cầu qua việc CDC Mỹ mở văn phòng khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội vào năm 2021.
Văn phòng này sẽ mang những chương trình, kiến thức, kinh nghiệm thành công tại Việt Nam nhân rộng và mở rộng ở các quốc gia Đông Nam Á - nơi mà CDC không có văn phòng quốc gia mạnh và quy mô.
Theo bà Walensky, ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia dự đoán đại dịch tiếp theo trong tương lai sẽ vẫn liên quan đến vi rút corona, cúm, cúm gia cầm và CDC đang tập trung giám sát các mầm bệnh này.
CDC cũng quan tâm đến các bệnh lây lan từ động vật sang người và có phương pháp tiếp cận chung, tích hợp, kết hợp cả y tế và thú y đối với vấn đề này gọi là Một sức khỏe.
CDC Mỹ vẫn quyết liệt với COVID-19
Bà Walensky cho biết dịch bệnh COVID-19 dù ở tình trạng nào, khẩn cấp hay không còn đáng báo động thì CDC toàn cầu và các văn phòng quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều sẽ làm việc với căn bệnh này với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt như cũ.
"COVID-19 vẫn ở đây với chúng ta, vẫn có người nhiễm, vẫn cần tiêm vắc xin. Công việc và cam kết của chúng tôi vẫn tiếp tục", bác sĩ Walensky khẳng định.
Theo bà, thế giới đã chứng kiến nhiều biến thể của vi rút gây bệnh COVID-19. Một số biến thể có khả năng lẩn tránh miễn dịch, lẩn tránh vắc xin, khả năng gây bệnh của các biến thể ở mức của biến thể Omicron.
Nếu tương lai xảy ra theo chiều hướng này, thế giới sẽ không bị COVID-19 đe dọa một lần nữa nếu chúng ta tiếp tục tiêm vắc xin để tăng khả năng miễn dịch trước dịch bệnh. Giờ đây chúng ta đã có các công cụ hữu ích gồm: xét nghiệm, vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị, và cần tận dụng tốt những điều này.
Giám đốc CDC Mỹ toàn cầu cho biết chúng ta không bao giờ biết được liệu có một biến thể với khả năng lẩn tránh miễn dịch cao hơn, độc lực mạnh hơn sẽ xuất hiện hay không.
Tuy nhiên, CDC đang hợp tác với các đối tác trên toàn cầu và việc phối hợp cùng nhau là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe lẫn nhau, để đào tạo nguồn nhân lực về y tế cộng đồng.
Về tần suất tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại, có cần tiêm vắc xin mỗi năm không, bác sĩ Walensky cho biết CDC thường xuyên xem xét các nghiên cứu mới để có thể đưa ra khuyến cáo kịp thời. Theo bà, hiện các dữ liệu vẫn chưa đầy đủ để khuyến cáo về tần suất tiêm vắc xin COVID-19 hằng năm.
Một trong những dự án CDC đang thực hiện ở Việt Nam là tăng cường giám sát bệnh dại - một vấn đề y tế cộng đồng vẫn đang tồn tại ở Việt Nam.
Theo bác sĩ Eric Dzuiban, giám đốc Trung tâm CDC Việt Nam thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, dự án này có mục tiêu là làm sao để hệ thống dữ liệu về các trường hợp có vi rút dại ở động vật và các ca nhiễm vi rút dại ở người kết nối với nhau.
Bằng cách làm này, cơ quan y tế sẽ phản ứng nhanh hơn, hướng tới việc loại bỏ các trường hợp tử vong do bệnh dại từ năm 2030 trên phạm vi toàn cầu.
CDC Mỹ khuyến cáo người dân ngừng sử dụng sản phẩm nước mắt nhân tạo EzriCare trong lúc điều tra 55 ca nhiễm khuẩn gây mất thị lực, có ca tử vong.
Xem thêm: mth.89855000081303202-man-teiv-et-y-iov-hnah-gnod-cut-peit-ym-cdc/nv.ertiout