vĐồng tin tức tài chính 365

Cựu cán bộ VietAbank kêu oan trong vụ 'siêu lừa' 433 tỷ đồng

2023-03-18 14:38

Ngày 17/3, ngày thứ 8, TAND Hà Nội xét xử Nguyễn Thị Hà Thành cùng 17 cán bộ ngân hàng NCB, PVcombank và VietAbank.

Là người bị đề nghị mức phạt cao nhất trong 26 bị cáo của vụ án, Hà Thành đối mặt án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, song trước tòa luôn khẳng định "trong các quan hệ vay mượn, chỉ chậm trả nợ, chứ không có ý định bùng nợ hay lừa đảo".

Nữ bị cáo nói mức án VKS đề nghị quá nghiêm khắc. Viện dẫn có 3 con nhỏ, Hà Thành mong được HĐXX khoan hồng tối đa khi tuyên án.

Luật sư của bị cáo Hà Thành cho rằng trách nhiệm để xảy ra thiệt hại của vụ án chủ yếu thuộc về nhóm bị cáo là 17 cán bộ ngân hàng, do "không thẩm tra hồ sơ mà vẫn ký duyệt các khoản vay cho Hà Thành".

Theo cáo buộc của nhà chức trách, Hà Thành câu kết với 17 cán bộ ngân hàng, "đạo diễn" 26 vụ lừa đảo và thu lợi bất chính 433 tỷ đồng. Thành nhờ các cán bộ ngân hàng tìm khách VIP để dụ góp tiền đồng sở hữu sổ tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Thành sau đó giả chữ ký của những khách này mang sổ tiết kiệm thế chấp, vay tiền và không có khả năng trả.

Một trong những người môi giới, tìm khách VIP là Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân, phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank). Bà Hương bị VKS đề nghị 16-18 năm tù, mức cao thứ hai trong vụ án, sau chủ mưu Hà Thành.

Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương kêu oan tại tòa. Ảnh: Danh Lam

Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương kêu oan tại tòa. Ảnh: Danh Lam

Bà Hương bị cáo buộc giới thiệu Hà Thành với nhiều khách có tiền gửi tiết kiệm số lượng lớn. Song các khách VIP này khai tại toà rằng không biết Hà Thành là ai, nhưng họ được Quỳnh Hương hứa hẹn trả lãi suất cao nếu đồng ý phương án cho Hà Thành đồng sở hữu sổ tiết kiệm.

Theo cáo trạng, bà Hương cũng chủ động bảo lãnh, quảng cáo Thành là nhà đầu tư bất động sản dự án lớn, sẽ tạo điều kiện cho mua nhà đất ưu đãi. Các đại gia tin lời Hương nên đồng ý. Có trường hợp, bà Hương giúp Thành lập Hợp đồng tiền gửi, song thực tế "siêu lừa" chưa góp một đồng nào.

Hà Thành sau đó nhờ Hương thế chấp sổ tiết kiệm đồng sở hữu để vay tiền của ngân hàng lên tới 95% giá trị sổ. Nhận hồ sơ từ bà Hương, Hà Thành giả chữ ký các khách VIP và được hoàn tất thủ tục giải ngân.

Suốt 7 ngày xét hỏi tại tòa, bị cáo Hương phủ nhận toàn bộ cáo trạng, phản đối cả hai tội danh bị VKS cáo buộc. "Bản chất của lừa đảo phải có thông đồng, bàn bạc và hưởng lợi. Bị cáo không có cả hai yếu tố đó", bà Hương trình bày.

Bà khai: "Tôi cũng tự bỏ 2 tỷ đồng vào sổ tiết kiệm, góp với khách để cho Thành vay. Tôi không dại gì đi lừa đảo tiền của chính mình".

Với cáo buộc ký tờ trình duyệt vay vốn cho Hà Thành, bà cho rằng "không có tờ trình, việc giải ngân vẫn diễn ra, sai phạm hoàn toàn do bước giải ngân". Bà kêu oan và "tha thiết xin tòa trả hồ sơ, điều tra lại và minh oan" cho mình.

Bào chữa cho bà Hương, các luật sư cho rằng chức vụ của thân chủ không có chức năng quyền hạn tham gia quy trình cho vay cầm cố, từ khâu thẩm định hồ sơ, làm việc với khách hàng cho đến khâu phê duyệt và giải ngân. Bà Hương cũng không có khả năng "ra lệnh, tạo sức ép", buộc cán bộ dưới quyền làm sai, hoặc can thiệp phần mềm nội bộ VietAbank để câu kết, lừa đảo khách và ngân hàng.

Đối đáp quan điểm này, VKS phân tích, tại cơ quan điều tra và phiên tòa, chính Hà Thành và Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, Phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank) đều khai có tham gia bàn bạc với Quỳnh Hương trong việc lấy sổ tiết kiệm của khách để cầm cố các khoản vay của Thành.

Việc ký kết hồ sơ, hợp đồng của khách hàng tại phòng giao dịch đều không thực hiện ký tại vị trí có camera giám sát. Hà Thành không có chứng từ chứng minh mục đích sử dụng, song Quỳnh Hương vẫn chỉ đạo các giao dịch viên, thủ quỹ giải ngân tiền sai quy định.

8 khoản VietAbank cho Hà Thành vay thuộc trường hợp cấp tín dụng không có bảo đảm (người có tài sản đảm bảo không đồng ý bảo đảm cho khoản vay) là rõ ràng vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng.

"Dù Quỳnh Hương không phải cấp trên của các giao dịch viên, trên lý thuyết không thể phân công những người này. Song thực tế Hương đã chỉ đạo cấp trên của họ, cùng thực hiện các công việc nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của VietAbank", VKS cho hay.

Theo cơ quan công tố, các camera không có âm thanh song hình ảnh camera tại ngân hàng phù hợp với lời khai của các bị cáo khác về việc khi đến "góp tiền" vào sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Hà Thành không nộp tiền tại quầy. Sau đó, Quỳnh Hương vẫn làm các sổ tiết kiệm tiền gửi thể hiện Thành có góp.

Với 6 luận điểm đối đáp, VKS tiếp tục bảo lưu quan điểm truy tố với bị cáo này.

Bị cáo  Quản Trọng Đức. Ảnh: Danh Lam

Bị cáo Quản Trọng Đức. Ảnh: Danh Lam

Ngoài Quỳnh Hương, bị cáo Quản Trọng Đức (Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) cũng cho rằng mình "hoàn toàn trong sạch". Sau lần trả hồ sơ điều tra bổ sung hồi tháng 5/2022, bị cáo Đức bị chuyển tội danh từ Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng sang Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đức bị cáo buộc bàn bạc với Thu Hương và thống nhất phát hành Hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu trái quy định của ngân hàng VAB; duyệt đề xuất cấp tín dụng đối với các khoản vay vượt hạn mức của Phòng giao dịch Đông Đô. Những việc này đã giúp sức Hà Thành trong 19 vụ lừa đảo. Ông Đức phải có trách nhiệm về 245 tỷ đồng thiệt hại tại VietAbank và 63 tỷ đồng của 4 đại gia.

Đức bị VKS đề nghị mức án 15-17 năm tù, cao thứ ba sau Thành và Hương.

Trước tòa, bị cáo này cũng bị các giao dịch viên cấp dưới tố cáo "tạo áp lực, dọa đuổi việc" và ép làm sai quy định ngân hàng trong các khoản vay của Hà Thành.

Trình bày trước HĐXX, ông Đức biện minh "không vụ lợi, không thể kiểm soát hành vi gian dối của nhân viên". Bị cáo thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, trong quyền hạn, song đồng nghiệp cố ý câu kết với Hà Thành đã dẫn đến sai phạm. "Đức là bị hại trực tiếp bởi hành vi của Hương và Thành", luật sư của bị cáo Đức nêu quan điểm.

Bị cáo Đức trình bày suốt 4 năm bị tạm giam không ngày nào ăn ngon ngủ yên. Sau một năm bị chuyển sang tội danh nặng hơn, bị cáo "rất sốc" vì cả đời cống hiến nhưng bị quy kết tội danh nghiêm trọng.

Đồng quan điểm với Quỳnh Hương, bị cáo Đức xin pháp luật "trả lại sự trong sạch", khẳng định "cây ngay không sợ chết đứng".

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục tranh luận về vấn đề dân sự.

Thanh Lam

Xem thêm: lmth.0352854-gnod-yt-334-aul-ueis-uv-gnort-nao-uek-knabateiv-ob-nac-uuc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags: vay

“Cựu cán bộ VietAbank kêu oan trong vụ 'siêu lừa' 433 tỷ đồng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools