Tòa hình sự quốc tế (ICC) ngày 17-3 phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên về quyền trẻ em của Liên bang Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc về những "tội ác được cho là đã thực hiện trên lãnh thổ Ukraine bị "chiếm đóng" ít nhất từ ngày 24-2-2022".
Hai giải thích cho cáo buộc của ICC
Thông cáo báo chí mang tên: "Tình hình ở Ukraine: Các thẩm phán của ICC ra lệnh bắt giữ Vladimir Vladimirovich Putin và Maria Alekseyevna Lvova-Belova" với phần nội dung chính chưa tới 500 từ không nói rõ câu chuyện trục xuất và di chuyển trẻ em này, chỉ có thể tìm hiểu trong phụ lục.
Bộ Ngoại giao Ukraine nói đây là những trẻ em Ukraine "bị Nga bắt cóc đưa sang Nga và nhận làm con nuôi bất hợp pháp". Từ ngày 14-4-2022, Bộ Ngoại giao Ukraine đã "kêu gọi các tổ chức quốc tế có biện pháp đưa những trẻ em bị Nga trục xuất trở về Ukraine".
Tuyên bố nêu rõ: "Nguy cơ nhận trẻ em Ukraine làm con nuôi bất hợp pháp của các công dân Nga mà không tuân thủ tất cả các thủ tục cần thiết được xác định bởi luật pháp của Ukraine là nghiêm trọng". Tổng thống Ukraine V. Zelensky thì nêu con số 16.000 trẻ em Ukraine bị trục xuất bắt buộc sang Nga.
Kênh thông tin Ukraine Unian.net ngày 15-4-2022 dẫn lời Ủy viên nhân quyền của Quốc hội Ukraine Lyudmila Denisova nói "có khoảng 150.000 trẻ em Ukraine ở 35 khu vực của Nga".
Người này khẳng định việc Nga cho rằng đây là trẻ mồ côi "là lời nói dối trơ trẽn" vì "nhiều trẻ em bị quân đội Nga biến thành "mồ côi" và "hầu hết chúng đều còn người thân, họ hàng, anh, chị, em, ông bà, người giám hộ tại các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát".
Tuy nhiên theo giải thích trên trang Newsru, ông Leonid Slutsky - chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) - nói đây là việc Nga đưa trẻ em từ vùng chiến sự đông nam Ukraine sang Nga. Đặc biệt, "đây là các em mà cha mẹ bị thương hoặc thiệt mạng trong các cuộc pháo kích của quân đội Ukraine vào các lãnh thổ trên".
Kênh truyền hình Tsargrad (Nga) cho biết đó là "việc giải cứu trẻ em khỏi các khu vực do Kiev kiểm soát. Quân đội Nga đã làm mọi cách có thể để tổ chức sơ tán dân khỏi các khu vực mà lực lượng vũ trang Ukraine khủng bố dân thường".
Kênh này nhắc con số 14.000 người ở đông nam Ukraine thiệt mạng trong các chiến dịch "chống khủng bố" của Ukraine tiến hành từ 2014 đến ngày 24-2-2022, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
Dư luận các bên
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi các quyết định của nó là vô hiệu. Còn bà Maria Lvova-Belova nói với Hãng tin RIA (Nga):
"Thật tuyệt khi cộng đồng quốc tế đánh giá cao công việc giúp đỡ trẻ em của đất nước chúng tôi, rằng chúng tôi không bỏ rơi các em trong vùng chiến sự. Chúng tôi đưa các em ra ngoài, tạo điều kiện tốt cho các em. Chúng tôi bao bọc các em bằng những người yêu thương và quan tâm". Bà khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình".
Trong khi đó, trả lời trên báo New York Times, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin là một "lập trường rất mạnh mẽ", rằng "lệnh bắt giữ ông Putin là hợp lý". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng phán quyết của ICC là "một quyết định lịch sử mà từ đó trách nhiệm lịch sử sẽ bắt đầu".
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Csaba Koroshi tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bất chấp việc ICC ban hành lệnh bắt giữ, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic gọi đây là "một sự leo thang không có hồi kết"…
Giải thích hiệu lực lệnh bắt giữ của ICC, Đài BBC ngày 18-3 dẫn lời các chuyên gia luật quốc tế từ ĐH Copenhagen là Gleb Bogush và Kevin Jon Heller nói "các nước thành viên ICC có nghĩa vụ thực hiện lệnh này. Và nếu ông Putin ở trên lãnh thổ của họ, họ phải giao nộp ông ta cho tòa án".
Nhưng các chuyên gia này cũng thừa nhận "nghĩa vụ pháp lý là một chuyện, còn hành động của các nước có thể khác nhau". Lý do là "trong khuôn khổ quan hệ giữa các nước, nguyên thủ quốc gia có quyền miễn trừ cá nhân, có nghĩa nước khác không thể bắt giữ ông ta miễn là ông ta còn đương chức…". Vì vậy, theo các chuyên gia, "đây là vấn đề thời gian và bây giờ khó có thể thực hiện quyết định của ICC".
Tòa án hình sự quốc tế (ICC) được thành lập ngày 17-7-1998 theo hiệp ước Quy chế Rome và có hiệu lực từ ngày 1-7-2002. Hiện 123 quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome. Trong số các nước không công nhận ICC có Mỹ, Israel, Trung Quốc, Iran, Ấn Độ và Nga. Không nên nhầm lẫn ICC với Tòa án công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Vì sao ICC phát lệnh lúc này?
Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi ngày ICC phát lệnh bắt ông Putin lại trùng thời điểm Điện Kremlin công bố lịch chuyến thăm Nga cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ 20 đến 22-3). Rõ ràng ICC muốn đặt Bắc Kinh vào thế khó, đồng thời hạ thấp giá trị chuyến thăm.
Hãng tin Ria Novosti của Nga chỉ ra hai vấn đề liên quan tính thời điểm:
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang kéo dài đã bắt đầu một vòng quay mới ở phương Tây với sự sụp đổ nhanh chóng của hai ngân hàng lớn ở Mỹ.
Thứ hai, một số sự kiện quan trọng diễn ra tuần này báo hiệu những chuyển biến của thế giới ngoài phương Tây:
1/ Cuộc khủng hoảng tại ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse nghiêm trọng hơn do các nhà đầu tư Trung Quốc và các nước rút đi sau khi Credit Suisse đóng băng một số tài sản của Nga;
2/ Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết nếu dầu mỏ nước này bị áp giá trần, Saudi sẽ giảm mạnh sản lượng và ngừng hoàn toàn việc bán dầu cho bất cứ ai tham gia quá trình đó".
Ngày 18-3, Tổng thống Putin đến bán đảo Crimea nhân kỷ niệm 9 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo này từ Ukraine. Một số địa điểm được chọn thăm dường như có ẩn ý.
Xem thêm: mth.36813357091303202-yan-cul-nitup-gno-tab-hnel-tahp-cci-oas-iv/nv.ertiout