Tăng trưởng xanh là chủ đề chính được đặt ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên sáng 19/3. Từ năm 1997, đây là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi.
Nói với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương quan trọng của Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó có mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngoài ra, trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, các cam kết về phát triển bền vũng cũng đã được đưa vào.
Theo Thủ tướng, trong quá trình này, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển.
Ông cho biết, Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, trong đó đặc biệt chú ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.
Trong quá trình chuyển dịch, Thủ tướng lưu ý, phải tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau". Ông giải thích, Việt Nam không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Tăng trưởng xanh tại Việt Nam cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện của từng vùng miền, địa phương, doanh nghiệp. Việt Nam khuyến khích sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư trong tăng trưởng xanh.
Trước đó, Giám đốc quốc gia Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) Thomas Jacobs cho biết, để thành nước có thu nhập cao vào 2045, đạt được phát thải carbon trung bình vào 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có. Theo dự báo của World Bank, Việt Nam cần đến 368 tỷ USD đến 2040 cho mục tiêu này, và một nửa trong số đó cần huy động từ khu vực tư nhân.
"Để huy động được cần vượt qua một số rào cản như môi trường thể chế, pháp luật giúp khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sản xuất", ông Thomas Jacobs nói. Ông cũng đề cập đến việc cần có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế hay việc phải có các mô hình huy động trái phiếu bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho biết, để hướng đến tăng trưởng xanh, Việt Nam nên khuyến khích các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ông cũng cho rằng Việt Nam cũng cần sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than. Bên cạnh đó, EuroCham cũng khuyến nghị Việt Nam nên tăng thực hiện các quy định về chất thải và thúc đẩy việc dùng nhựa phân hủy cho đến khi nhựa được loại bỏ về cơ bản.
Trong khi đó, Phó tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, thách thức phát triển xanh với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không hề nhỏ. Nguyên nhân là mức độ hiểu biết, quy định về môi trường của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; đa số doanh nghiệp trong nước ở quy mô nhỏ, trong khi chi phí tuân thủ quy định môi trường cao; mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh cũng đang ở mức sơ khởi.
Ngoài ra, tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam tìm giải pháp trước mắt, lâu dài cho những khó khăn, trên cơ sở hài hòa lợi ích.
Ông khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện thể chế, chính sách; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; Phát triển đồng bộ các loại thị trường.
Với một số vấn đề cụ thể khác mà nhà đầu tư quan tâm như visa, giấy phép lao động, thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giải quyết, tìm các chính sách, hướng đi phù hợp.
Đức Minh