Hiện toàn TP Hà Nội có khoảng 400 nhà vệ sinh công cộng phục vụ hơn 8,3 triệu người dân thủ đô. Ngoài số lượng ít ỏi thì chất lượng dịch vụ tại các nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cỏ um tùm quanh nhà vệ sinh công cộng
Bến xe Mỹ Đình là một trong những bến xe lớn của Hà Nội, hàng ngày tại đây đón hàng ngàn lượt khách. Bởi thế, việc lắp đặt và khai thác hiệu quả nhà vệ sinh công cộng xung quanh khu vực trên là điều rất quan trọng để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, nhiều nhà vệ sinh công cộng xung quanh khu vực này lại để cây cối mọc um tùm.
Tại một nhà vệ sinh cộng cộng trên đường Nguyễn Hoàng (sát bên xe Mỹ Đình), cỏ cây mọc um tùm ở phần mặt tiền, khu vực phía sau nhân viên trông giữ tận dụng để bán "trà đá".
Theo quan sát, nhà vệ sinh này có hai phòng cho nam và nữ, nhưng hiện nay chỉ sử dụng một bên, một bên còn lại đóng cửa. Toàn bộ không gian còn lại bị chiếm dụng để bán nước, đồ ăn nhanh.
Bước vào bên trong, không gian rất chật chội, mùi khai, hôi thối xộc thẳng vào mũi. Bồn tiểu dành cho nam bị hư hỏng không thể sử dụng và được bịt kín túi nilon. Điều đáng nói, sau khi đi vệ sinh, không có cần gạt để xả nước, thay vào đó, người đi vệ sinh phải múc nước sẵn trong chậu để xối. Vòi gạt nước tại bồn rửa tay cũng đã bị hỏng.
Dù vậy, mỗi lần đi vệ sinh, người sử dụng dịch vụ tại đây cũng phải "tùy tâm" cho nhân viên từ 3.000 đến 5.000 đồng.
Tại một nhà vệ sinh công cộng trên đường Trích Sài (Tây Hồ), tại đây cũng có hai phòng dành cho nam và nữ, nhưng nhân viên cũng chỉ mở cửa một phòng, phòng còn lại khóa cửa. Theo ghi nhận, nhân viên lau dọn liên tục, tuy nhiên bước vào bên trong, bao trùm vẫn là mùi hôi thối nồng nặc.
Chị Liễu (nhân viên vệ sinh) cho biết nhà vệ sinh công cộng trên được mở cửa 24/24, mỗi ngày chị làm việc từ 4h sáng tới chiều thì sẽ có người khác thay ca.
"Nhà vệ sinh này chúng tôi phục vụ hoàn toàn miễn phí, không thu tiền của người dân" - chị nói.
Ám ảnh vì nhà vệ sinh công cộng hôi
Cách đó không xa, tại một nhà vệ sinh công cộng đối diện ngõ 65 Trích Sài, dù có thiết kế với 4 phòng, tuy nhiên ghi nhận trong chiều 19-3, địa điểm này lại đóng cửa, không phục vụ. Theo nhân viên, lý do đóng cửa là vì nhà vệ sinh vừa sửa nên chưa thể sử dụng được.
Sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng để giải quyết nhu cầu cá nhân, anh Nguyễn Anh Minh (Hà Nội) nói: "Thực sự cả hồ Tây rất rộng nhưng có rất ít nhà vệ sinh công cộng. Tôi đi mãi tới đây mới tìm được để sử dụng.
Chưa kể, chất lượng nhà vệ sinh rất kém, bên trong rất hôi và bẩn. Thực ra, bất đắc dĩ lắm tôi mới sử dụng, chứ mỗi lần bước vào đây tôi đều bị ám ảnh.
Xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hiện có hai nhà vệ sinh công cộng đang được khai thác. Bên ngoài, các nhà vệ sinh công cộng ở đây trông khá hiện đại và mới. Nhưng phần cửa của nhà vệ sinh trên cũng đã bị hỏng, bên trong bốc mùi nồng nặc.
Vì lượng du khách đồ về hồ Hoàn Kiếm đông, nhà vệ sinh công cộng quá ít, khiến nhiều người phải xếp hàng chờ tới lượt.
"Em thấy mùi hôi rất khó chịu, người có "nhu cầu" thì quá đông, nên cứ ra vào liên tục. Em mong Hà Nội sẽ xây thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng hơn ở những địa điểm du lịch cho người dân và du khách được sử dụng.
Đặc biệt, vấn đề khử mùi, làm sạch nhà vệ sinh công cộng, em nghĩ cần được quan tâm hơn, chứ mỗi lần bước vào đây em cảm thấy rất sợ" - bạn Hoàng Hải Yến (21 tuổi, Hà Nội) - nói.
Chọn vị trí xây nhà vệ sinh phải hợp lý, thực tiễn chứ không nên cơ học, phải làm thật và tạo ra giá trị thật, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Xem thêm: mth.72401038191303202-os-yaht-ion-ah-iougn-ioht-ioh-gnoc-gnoc-hnis-ev-ahn-ueihn/nv.ertiout