2022, tín dụng là tâm điểm chú ý. Nhiều nhà băng "cạn room" chỉ sau nửa năm khi nhu cầu vay vốn tăng mạnh, từ cả nhóm sản xuất cho tới các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh kênh trái phiếu và chứng khoán gặp khó. Nhu cầu vốn thậm chí còn tăng cao trong những tháng cuối năm, đến mức nhiều hiệp hội và chuyên gia liên tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room. Tuy nhiên, câu chuyện năm 2023 có thể sẽ khác.
Ngại lãi suất cao
Ông Ninh, chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết đã giảm 40-50% quy mô hoạt động trong hai năm qua. Doanh nghiệp này phải vay vốn ngân hàng để duy trì và cầm cự hoạt động, nhưng đang tìm hướng để giảm bớt khoản vay. "Chúng tôi phải ngưng mở rộng vì không thể có lãi với lãi suất 10-12% một năm, đồng thời bán bớt tài sản để giảm nợ vay mới tồn tại được", ông nói.
Các khách hàng của doanh nghiệp này trong lĩnh vực thương mại và sản xuất cũng phải chuyển đổi phương án sản xuất để giảm gánh nặng tài chính. Trước đây, khách hàng của ông thường xuyên nhập hàng lô lớn để tiết kiệm chi phí tàu bè nhưng giai đoạn này, họ giảm quy mô nhập hàng tháng và chia nhỏ kỳ hạn vay. "Mọi thứ đều chậm lại", ông nói.
Với những khách hàng cá nhân, lãi suất cũng là rào cản lớn.
Thanh Tùng, nhân viên tín dụng một nhà băng tư nhân top đầu tại Hà Nội, cho hay nhiều khách hàng muốn vay vốn đã ngại ngần khi nghe về mức lãi suất hiện tại, khoảng 13-14%, cá biệt có thể lên 15-16%. "Mọi người đều hiểu về tình hình hiện tại, nhưng khi thực sự nhìn vào con số lãi suất và bảng thanh toán lãi vay dự kiến", Tùng nói.
Một khách hàng muốn vay hơn 2 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư, nếu tính theo mức lãi suất khoảng 13% mỗi năm, chỉ riêng chi phí lãi vay đã hơn 20 triệu đồng mỗi tháng chưa tính phần gốc phải trả.
"Năm 2022, giai đoạn đầu năm còn nhộn nhịp nhưng từ đầu 2023 tới nay, ít người đi vay mua nhà", CEO của một ngân hàng tư nhân nói với VnExpress. Lãi suất cho vay mới, có thể lên 16% một năm, khiến người mua bất động sản chùn chân, trừ khi có nhu cầu cấp thiết để vay mua nhà ở.
Tại những nhà băng có vốn nước ngoài - nhóm "dễ thở" nhất thị trường - lãi suất cho vay cũng tăng lên ngưỡng hai chữ số. Nhiều khách hàng đã tỏ ra bất ngờ với con số này, khi mà chỉ trước đó hai năm, các chương trình ưu đãi chỉ bằng một nửa.
Không chỉ với khách hàng mới, những khách hàng cũ cũng như "ngồi trên đống lửa" với mức lãi suất hiện tại. Khoản vay mua nhà hơn 2,5 tỷ đồng của Minh Thu sẽ hết thời gian ân hạn (gốc và lãi do chủ đầu tư trả thay) vào giữa năm nay. Với mức nền hiện tại, tiền lãi và gốc phải trả là hơn 35 triệu đồng mỗi tháng.
Khách hàng này đã tính tới trường hợp bán bớt một số khoản đầu tư, tài sản của gia đình để hạ bớt dư nợ vay trước khi hết thời gian ân hạn, giảm phần chi phí hàng tháng về dưới 20 triệu đồng. "Nếu thời gian quay trở lại, có lẽ tôi sẽ suy nghĩ về quyết định vay nợ", Thu nói.
Bất động sản đóng băng
Nói với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng tư nhân đánh giá, khác với 2022, nhu cầu tín dụng năm nay dự báo khó khăn, ngoài đơn hàng sản xuất sụt giảm, thị trường bất động sản đóng băng là một phần nguyên nhân.
Những năm gần đây, tín dụng cho bất động sản luôn cao hơn trung bình. Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm trước đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng vào kênh này khả năng chậm lại. Việc mở rộng cho vay cũng không dễ trong bối cảnh các tài sản có pháp lý của nhóm bất động sản hầu hết đã được sử dụng cho các khoản vay cũ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA) đánh giá, năm ngoái giá bất động sản tăng cao, sản phẩm cứ ra là bán hết, ngân hàng cũng thích cho vay. Nhưng khi thị trường đóng băng, các nhà băng phải phòng thủ để đảm bảo nguyên tắc an toàn vốn.
"Giai đoạn này, ngân hàng khó giải ngân cho doanh nghiệp bất động sản do họ vướng mắc ở khâu pháp lý, bản thân họ còn đang có những khoản nợ khách hàng, nợ trái phiếu", ông Hùng nói thêm.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý I do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4% trong ba tháng đầu năm và tăng 13,7% trong năm nay, giảm gần 2% so với kỳ điều tra trước.
Chứng khoán VNDirect, trong báo cáo mới đây, cũng dự báo tăng trưởng cho vay sẽ chậm lại, khoảng 12%, do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Bên cạnh đó, lạm phát dự kiến cũng là một rào cản, do tăng tiền lương từ tháng 7 và tăng giá các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng. Cuối cùng, thanh khoản hạn hẹp là một phần nguyên nhân. Tính đến 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, còn cung tiền tăng 0,05% so với cuối năm 2022.
Cơ hội trong nửa cuối năm
Tuy nhiên, theo những lãnh đạo trong giới ngân hàng, vấn đề lãi suất - nút thắt lớn ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng - có thể được giải quyết một phần cuối năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân nói với VnExpress, hầu hết dự báo cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 1-2 lần và bắt đầu bước vào chu kỳ giảm lãi suất. Tại Việt Nam, cuộc đua lãi suất huy động cũng đã chững lại. "Tôi kỳ vọng từ nay đến hết quý II, lãi suất huy động sẽ đi vào xu hướng ổn định và bắt đầu giảm. Ngân hàng chúng tôi cũng đang tính phương án giảm lãi suất huy động vừa nghe ngóng thêm", CEO này nói.
Giới phân tích cũng chung đánh giá này, đặc biệt sau những vụ đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ gần đây. "Quan điểm 'diều hâu' của Fed có thể đảo chiều khi rủi ro của hệ thống tài chính gia tăng, với một phần nguyên nhân đến từ việc tăng lãi suất quá nhanh trong năm trước", trưởng phòng tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán tại Hà Nội nhận định.
Theo chuyên gia này, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất và hạ dự báo đỉnh lãi suất, thị trường sẽ "dễ thở" hơn.
Một nguyên nhân khác khiến lãi suất cho vay nhanh chóng hạ nhiệt mà không cần bất kỳ chỉ đạo nào, theo lãnh đạo một số ngân hàng, xuất phát từ sự cạnh tranh để mời gọi khách hàng mới.
Do tăng trưởng tín dụng được dự báo khó khăn, nhiều nhà băng sẽ có chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi, thậm chí tương đương với lãi suất huy động. Ngân hàng có thể chấp nhận giảm lãi suất cho vay trước và chịu lỗ trong thời gian ngắn để hút khách hàng.
"Quý II có thể xuất hiện một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay và trào lưu này sẽ thấy rõ rệt hơn vào nửa cuối năm", tổng giám đốc một nhà băng nhận định.
Minh Sơn - Quỳnh Trang