vĐồng tin tức tài chính 365

Tăng biên chế theo số dân: Gỡ áp lực cho xã, phường đông dân ở TP.HCM

2023-03-20 07:25

Mới đây, Bộ Nội vụ đã gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp để thẩm định đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại ba TP lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Một nội dung đáng chú ý được Bộ Nội vụ đề xuất là số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường được xác định theo quy mô dân số của phường. Mặc dù dự thảo này vẫn đang chờ lấy ý kiến thông qua nhưng nhiều cán bộ, công chức xã, phường ở nơi có dân số đông tại TP.HCM rất phấn khởi sau một thời gian dài gồng gánh. Lãnh đạo phường, xã mong mỏi dự thảo sẽ sớm được thông qua.

Tăng biên chế theo số dân: Gỡ áp lực cho xã, phường đông dân ở TP.HCM ảnh 1
Người dân phường Bình Hưng Hoà A ngồi chờ đến lượt làm thủ tục trước bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Một cán bộ đảm nhận 64 đầu việc

Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM có hơn 125.000 dân – được coi là một trong những phường đông dân nhất ở TP.HCM nhưng chỉ có 36 biên chế, gồm 22 cán bộ công chức và 14 cán bộ không chuyên trách. Trung bình mỗi công chức phường phục vụ cho gần 3.500 dân.

Ngón tay thoăn thoắt lướt nhanh trên bàn phím nhận thông tin, rồi làm báo cáo, chị Lý Thị Thanh Thúy, cán bộ phụ trách phòng LĐ-TB&XH phường nói: “Một ngày cán bộ ở đây làm việc 13-14 tiếng là chuyện bình thường. Sáng tôi lên phường tiếp dân, chiều tan làm lại tranh thủ ghé qua các khu trọ công nhân để thăm hỏi, hỗ trợ bà con”.

Chị Thúy liệt kê ra đầu công việc đang đảm nhận như quản lý mảng lao động, doanh nghiệp, chi trả lương, giải quyết các đơn thư từ, quản lý về chính sách người có công, hỗ trợ cấp bảo trợ xã hội đối với hơn 700 hộ gia đình chính sách, người cao tuổi, chi hỗ trợ COVID-19…

Ngoài ra, chị còn đảm nhận hàng chục công việc không tên khác. “Công việc làm không hết thì mang về nhà rồi tranh thủ nhập liệu hồ sơ để hôm sau có thời gian tiếp dân”- chị Thúy chia sẻ.

Trước kia, vợ chồng chị Thúy đều là cán bộ công chức nhà nước. Sau này, do khối lượng và áp lực công việc tăng, nhà có hai con nhỏ nên chồng chị phải nghỉ làm để có thời gian chăm sóc gia đình. “Chỉ mong sao có thêm biên chế để cán bộ có thời gian cùng gia đình nhiều hơn”- chị Thúy tâm tình.

Không riêng chị Thúy, nhiều công chức khác cũng “ôm” một lượng công việc mà họ gọi là “như cái núi”. Một cán bộ không chuyên trách đảm nhận khoảng 30 đầu công việc việc, cán bộ phụ trách thủ quỹ - văn thư - lưu trữ phải giải quyết 35 đầu việc….

Chị Trần Kim Hoàng, cán bộ phụ trách kinh tế của phường Bình Hưng Hòa A hiện đang phụ trách 64 đầu việc. Sau một buổi sáng đi kiểm tra việc buôn bán gia cầm trên địa bàn, chị Hoàng trở về trụ sở phường rồi bắt tay vào viết báo cáo, bỏ qua cả việc ăn trưa hay nghỉ ngơi. “Dịch cúm gia cầm đang là chuyện nóng, mình phải làm báo cáo ngay để lãnh đạo phường có hướng giải quyết”- chị nói.

Không những vậy, chị Hoàng còn phải giải quyết những vấn đề về di dời, giải tỏa trong các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường; tham mưu quản lý các bến đỗ xe; xử lý biển báo an toàn giao thông... “Nhiều giữa đêm dân gọi báo cháy, hoặc phản ánh hàng xóm hát karaoke làm ồn... thì mình phải xuống địa bàn kiểm tra, làm việc” - chị kể.

Có thời điểm tổng số hồ sơ, công việc mà phường đã giải quyết là hơn 45.000 hồ sơ các loại. Tính bình quân, mỗi cán bộ, công chức phường giải quyết 1.285 hồ sơ/năm; hơn 183 hồ sơ/tháng.

Tăng biên chế theo số dân: Gỡ áp lực cho xã, phường đông dân ở TP.HCM ảnh 2
Cán bộ UBND phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân, làm thủ tục hành chính cho dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Lãnh đạo phường Bình Hưng Hòa A nhiều lần bộc bạch, cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách phường đã quá tải. Công tác quản lý, điều hành bị hạn chế, thiếu tính chủ động trong giải quyết các sự việc phát sinh, quản lý địa bàn gặp rất nhiều áp lực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A Trần Hoàng Dũng, nhìn nhận số lượng, khối lượng công việc tăng dần theo thời gian nhưng số người thực hiện nhiệm vụ lại giảm. Trước đây một lĩnh vực được giao cho 2 - 3 người thực hiện còn bây giờ một người nhưng phải làm nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau.

Ông Dũng cho biết từ khi Nghị định 34/2019 có hiệu lực, phường đã tinh giản 28 biên chế. Việc này khiến khối lượng công việc của các cán bộ tăng lên rõ rệt. Nếu như dự thảo được thông qua, với hơn 125.000 dân, phường sẽ tăng 22 biên chế.

“Tăng theo số lượng này rất hợp lý, số lượng biên chế tăng gần bằng với số biên chế tinh giản trước đó. Nếu tăng biên chế sẽ giúp giảm tải công việc; giúp cán bộ, công chức phường yên tâm công tác. Phường sẽ điều động về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, kinh tế, văn phòng thống kê, văn phòng Đảng ủy và tư pháp, bởi đây là những vị trí đang nóng và rất cần người” - ông Dũng phấn khởi.

Cán bộ không dám nghỉ phép

11 giờ trưa, trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh vẫn chưa ngớt người đến làm thủ tục. Đây cũng là địa bàn có số dân thuộc nhóm đứng đầu TP.HCM với hơn 146.000 dân, gần bằng quận Phú Nhuận.

Dù vậy, xã Vĩnh Lộc B chỉ có 34 biên chế, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ nên cán bộ, công chức xã luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, quận Phú Nhuận được phân bổ tối đa 436 biên chế cho 13 phường, gấp 12 lần.

Vừa bốc số xong, anh Lê Văn Dương, ấp 1A mở máy tính ra làm việc ngay tại ghế chờ. “Đông vậy không biết chừng nào mới đến lượt nên tôi tranh thủ làm việc khác”- anh Dương nói.

Tăng biên chế theo số dân: Gỡ áp lực cho xã, phường đông dân ở TP.HCM ảnh 3
Gần giờ nghỉ trưa nhưng cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc B vẫn cặm cụi giải quyết thủ tục hành chính cho dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Còn chị Lê Thị Trà My, ngụ ấp 4 đã ngồi chờ hơn một tiếng mới công chứng xong một số giấy tờ làm hồ sơ xin việc. “Người dân đến làm thủ tục đông nhưng chỉ có vài cán bộ tiếp nhận nên tốc độ giải quyết hồ sơ chậm. Thấy cán bộ nhiều việc, ai cũng tất bật nên mình cũng phải chia sẻ”- chị My chia sẻ.

Anh Vũ Anh Tuấn, cán bộ công chức địa chính - xây dựng, tâm sự đã hơn ba năm qua, anh chưa có một ngày nghỉ phép đúng nghĩa.

“Dù có nghỉ phép đi nữa thì công việc đó mình vẫn phải làm. Nghĩ tới số lượng công việc dồn lại sau kỳ nghỉ phép, anh em rất ngại xin nghỉ”- anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cho biết xã có diện tích gần 1.700 ha, với 16 ấp. Trước kia, mảng địa chính - xây dựng có bốn cán bộ, công chức và 13 cán bộ không chuyên trách. Tuy nhiên, sau khi tinh giản theo Nghị định 34 thì chỉ còn bốn cán bộ công chức và một cán bộ hoạt động không chuyên trách.

“Sau đó vì áp lực công việc tăng, không có thời gian cho gia đình, một cán bộ đã xin nghỉ. Thấy anh em vất vả quá, huyện Bình Chánh đã biệt phái thêm hai cán bộ về hỗ trợ”- anh Tuấn kể và nói thêm, do tính chất đặc thù của địa bàn xã rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân nhập cư nhiều nên cán bộ mảng địa chính - xây dựng phải chịu nhiều áp lực hơn.

“Lượng công việc cần xử lý quá lớn nhưng lực lượng mỏng nên hầu như các kế hoạch mà huyện giao xuống đều bị trễ. Chỉ mong sao được bổ sung biên chế để anh em san sẻ công việc”- anh Tuấn tâm sự.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B trăn trở: “Biên chế ít nhưng khối lượng công việc lớn, nhiều anh em cũng tâm tư. Lãnh đạo xã, huyện hiểu nhưng chỉ có thể chia sẻ, hỗ trợ phần nào”.

Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại vốn là công việc của công chức tư pháp. Tuy nhiên, hiện xã này chỉ có một công chức tư pháp đảm nhận việc tiếp nhận hồ sơ nên phó chủ tịch, chủ tịch xã phải thay công chức tư pháp tiếp dân.

Ông Vũ nói, xã chỉ cần thêm năm biên chế là đỡ căng thẳng nhưng nếu theo đề xuất của dự thảo thì xã sẽ có hơn 40 biên chế được bổ sung. “Điều này rất mừng. Đây sẽ là giải pháp căn cơ giúp công tác quản lý của UBND xã chặt chẽ, hiệu quả hơn, giảm tải áp lực cho cán bộ” – ông Vũ nhìn nhận.

Xin ý kiến Bộ Chính trị về tăng biên chế

Theo đề xuất trong dự thảo, số lượng biên chế công chức phường dự kiến sẽ tăng lên 1.143 biên chế. Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, hiện tổng biên chế cán bộ, công chức của các địa phương đã được Bộ Chính trị giao ổn định trong giai đoạn 2022-2026, trong đó số lượng biên chế công chức phường tại ba TP được giao là 7.035 biên chế.

Chính vì vậy, trường hợp Chính phủ đồng ý với phương án tính số lượng biên chế công chức phường tại ba TP như trong dự thảo Nghị định thì cần xin ý kiến của Bộ Chính trị vấn đề tăng biên chế này.

Tạo động lực để cán bộ yên tâm công tác

“Rất mừng! - ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, nơi có số dân đông nhất TP Thủ Đức với hơn 100.000 dân bày tỏ khi nghe thông tin về dự thảo mới của Bộ Nội vụ.

Địa bàn ông Tuấn phụ trách có hơn 60% nhân khẩu tạm trú. Đây cũng là địa phương có địa bàn rộng với diện tích tự nhiên hơn 647 ha, 9 khu phố, 102 tổ dân phố.

Năm 2022, có thời điểm phường tiếp nhận 32.345 hồ sơ theo yêu cầu của người dân (mỗi cán bộ giải quyết 420 hồ sơ/tháng) và tiếp nhận 32.046 hồ sơ thủ tục hành chính khác (mỗi cán bộ giải quyết 416 hồ sơ/tháng).

Tăng biên chế theo số dân: Gỡ áp lực cho xã, phường đông dân ở TP.HCM ảnh 4

Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN

Về biên chế, phường được giao 37 người nhưng thực tế chỉ có 34 người. Để giải quyết công việc, các cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của phường phải làm thêm giờ, kể cả thứ bảy, Chủ nhật, thậm chí mang việc về nhà làm.

Bộ phận công chức tư pháp - hộ tịch, công chức địa chính - xây dựng, đô thị, môi trường phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn. Riêng bộ phận địa chính, phường phân công lịch làm việc chính thức vào sáng thứ bảy cùng với bộ phận tiếp nhận, trả kết quả. Phường cũng phải phân công cán bộ trực ngoài giờ hành chính để kịp thời xử lý hồ sơ cho dân, xử lý các công trình vi phạm xây dựng…

Ông Tuấn từng chia sẻ rằng, đời sống gia đình của cán bộ, công chức phường bị ảnh hưởng vì phải dành hầu hết thời gian cho công việc. Nếu được bố trí bổ sung thêm, phường sẽ phân công lại để san sẻ khối lượng công việc rất lớn mà đội ngũ cán bộ công chức đang đảm nhiệm.

Theo ông Tuấn, khi công việc được giảm tải, chất lượng phục vụ người dân sẽ tốt hơn. Người dân không phải chờ đợi khi đến làm thủ tục, hồ sơ hành chính. Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân sẽ kịp thời hơn, có thêm lực lượng xử lý các vấn đề mà người dân đang bức xúc như vệ sinh môi trường, trật tự lòng lề đường, đất đai - xây dựng...

Nếu đề xuất trên được Trung ương chấp thuận, ông Tuấn mong TP sớm có kế hoạch thực hiện. Điều này sẽ tạo sự phấn khởi, động lực để công chức, người lao động không chuyên trách phường xã yên tâm công tác.

Sẽ tăng thêm 1.143 biên chế ở cả ba TP

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ tại dự thảo, đối với phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm một biên chế công chức. Thời điểm xác định quy mô dân số của phường là ngày 31-12 của năm trước liền kề năm trình HĐND quyết định biên chế.

Riêng tại TP Hà Nội, với những phường thuộc thị xã có từ 5.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm một biên chế công chức. Còn đối với phường thuộc TP thuộc TP.HCM có từ 7.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 7.000 dân thì cứ thêm 3.500 dân được tăng thêm một biên chế công chức.

Cũng theo dự thảo, UBND các TP trình HĐND cùng cấp phân bổ số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường của từng quận, TP. Căn cứ vào số lượng biên chế công chức phường được HĐND phân bổ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng phường, UBND quận, TP quyết định giao cụ thể số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND từng phường trực thuộc.

Với đề xuất này, số lượng biên chế công chức phường của TP Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng sẽ tăng thêm 1.143 biên chế so với quy định hiện hành là 7.035 biên chế (trung bình 15 biên chế/phường). Trong đó, 34 quận thuộc ba TP tăng 862 biên chế; thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội tăng 10 biên chế và TP Thủ Đức thuộc TP.HCM tăng 271 biên chế.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng có công văn gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường từ bình quân 15 người thành 17 người đối với các phường có 30.000 dân trở xuống. Đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, ngoài số lượng quy định, cứ 15.000 dân được thêm một công chức.

Kiến nghị này dựa trên thực tiễn bố trí số lượng công chức bình quân là 15 người/phường sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc. Hiện bình quân dân số một phường tại TP.HCM lại lên đến hơn 28.000 dân (gấp 1,89 lần so với quy định của Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Cán bộ phường là cầu nối ở cơ sở

UBND phường, xã là cấp cuối cùng trong hệ thống quản lý hành chính nhà nói riêng và trong hệ thống quản lý nhà nước nói chung.

Đây là nơi gần dân, sát dân nhất và là cầu nối giữa nhân dân ở cơ sở với chính quyền cấp trên. UBND phường, xã có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Do vậy, cần có số lượng biên chế phù hợp để vừa phục vụ tốt cho nhân dân nhưng bộ máy không cồng kềnh, vừa giảm tải công việc cho cán bộ, công chức phường để họ an tâm công tác.

Ông TRẦN HOÀNG DŨNG, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân

Tăng biên chế theo số dân: Gỡ áp lực cho xã, phường đông dân ở TP.HCM ảnh 5

Không khí tất bật làm việc tại UBND phường Bình Hưng Hoà A vào buổi sáng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Xóa bỏ tâm lý nghỉ việc, nhảy việc

Nếu đề xuất được thông qua sẽ là một giải pháp căn cơ giúp cho công tác quản lý nhà nước của UBND xã được chặt chẽ, hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân được nâng cao; cán bộ, công chức giảm tải áp lực công việc.

Quan trọng hơn, sẽ dần xóa tan suy nghĩ nghỉ việc, nhảy việc của cán bộ, công chức; nâng cao tinh thần cống hiến, có thời gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong công việc.

Ông NGUYỄN ANH VŨ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh

Cán bộ có thêm thời gian học hỏi, nâng cao năng lực

Phường An Khánh được hình thành sau khi sáp nhập từ phường Bình An và Bình Khánh (quận 2 cũ). Sau sáp nhập, dân số phường đông hơn, công việc cũng tăng gấp đôi gây nhiều áp lực cho cán bộ, công chức, cán bộ hoạt động không chuyên trách của phường.

Phường hiện có 34 biên chế, gồm sáu cán bộ, 14 công chức, 14 cán bộ hoạt động không chuyên trách, và đang thiếu cán bộ phụ trách mảng công nghệ - thông tin để thúc đẩy chuyển đổi trong công tác hành chính, giải quyết thủ tục hồ sơ, dịch vụ công cho dân được nhanh chóng hơn.

Dự thảo nếu được thông qua sẽ làm thay đổi nhiều trong cách hoạt động của phường và nhiều nơi khác. Ngoài việc giảm tải áp lực, cán bộ sẽ có thời gian học hỏi, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, phục vụ người dân tốt hơn.

Ông NGUYỄN XUÂN QUỲNH, Chủ tịch UBND phường An Khánh, TP Thủ Đức

Xem thêm: lmth.916427tsop-mchpt-o-nad-gnod-gnouhp-ax-ohc-cul-pa-og-nad-os-oeht-ehc-neib-gnat/nv.olp

“Tăng biên chế theo số dân: Gỡ áp lực cho xã, phường đông dân ở TP.HCM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools