Định mức tiêu hao năng lượng còn hạn chế
Theo thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), tính đến năm 2022, Việt Nam có trên 3.300 doanh nghiệp nhựa với 250.000 người lao động. Năm 2022, sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt xấp xỉ 25,18 tỷ USD, tăng 5,68% so với cùng kỳ.
Trong đó, nhựa bao bì đạt 8,81 tỷ USD, chiếm 35% cơ cấu doanh thu; nhựa gia dụng đạt 5,79 tỷ USD, chiếm 23%; nhựa xây dựng đạt 5,28 tỷ USD, chiếm 21%; nhựa kỹ thuật đạt 2,77 tỷ USD, chiếm 11%, còn lại các sản phẩm nhựa khác.
Tại hội thảo Giảm phát thải carbon trong các ngành sản xuất xi măng, thép, nhựa ở Việt Nam do IFC tổ chức mới đây, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký VPA thông tin, năm 2019, tiêu thụ điện trong lĩnh vực cao su và nhựa tăng từ 5,7 tỷ kWh năm 2016 lên 7,62 tỷ kWh năm 2019.
Với sản lượng sản xuất lớn hàng năm, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đã đặt ra mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất nhựa từ 18 - 22% giai đoạn đến năm 2025 và từ 21 - 24% giai đoạn đến năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu đề ra cũng như phù hợp với xu thế phát triển và tiêu thụ năng lượng của ngành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, từ các khảo sát đã thực hiện, VPA cho biết, hiện nay mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp ngành nhựa còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp nộp báo cáo là 50,56%, tỷ lệ đạt định mức tiêu hao năng lượng là 37,99%, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng là 22,47%.
Bà Huỳnh Thị Mỹ cho rằng, điều này đến từ việc doanh nghiệp thiếu thông tin hoặc không biết đến thông tư về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa. Mặt khác, các sản phẩm nhựa đa dạng về chủng loại, kích thước, nguyên liệu, dẫn đến định mức chưa chính xác, nhất là các nhà máy có nhiều dòng sản phẩm khác nhau.
Doanh nghiệp nhựa cũng gặp khó khăn trong việc thay đổi công nghệ và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng (đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Đặc biệt là doanh nghiệp thiếu công tơ phụ và thiết bị thu thập dữ liệu (cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau).
Chuẩn bị lộ trình trong giảm thải carbon
Trước những thực tế trên, VPA nhận thấy định hướng để sản xuất carbon thấp là tăng cường và tuyên truyền ý thức sử dụng của người tiêu dùng, phân loại rác thải tại nguồn, góp phần hỗ trợ công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Quy định thu phí EPR (phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất) được quy định tại Điều 54 của Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 cũng sẽ góp phần thúc đẩy ngành tái chế Nhựa phát triển.
Bà Mỹ nhấn mạnh thêm, Chính phủ, cũng như các tổ chức quốc tế cần hỗ trợ các nhà máy nhựa tăng cường xây dựng và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để giảm tiêu hao năng lượng. Còn các doanh nghiệp cần có sự đầu tư để đổi mới công nghệ.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký VPA. |
Chia sẻ bên lề hội thảo, bà Mỹ cho biết, ngành nhựa Việt Nam có đến 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% doanh số của toàn ngành. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhựa cần có sự chuẩn bị về các vấn đề liên quan đến giảm thải carbon cũng như những yêu cầu bắt buộc mà nhà nước đưa ra.
Nếu những doanh nghiệp nhỏ muốn phát triển để hội nhập với nền kinh tế thế giới hiện nay thì cần nhiều thay đổi. Ngành nhựa cần tuân thủ những nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, phải thu gom, tái chế và có những giải pháp đáp ứng được các yêu cầu quốc tế.
“Các doanh nghiệp mặc dù nhỏ, nhưng nếu có định hướng và lộ trình cụ thể sẽ tiếp tục đi lên phát triển. Ngược lại, nếu một số doanh nghiệp cảm thấy quá nhiều áp lực và không thể tiếp tục được nữa thì sẽ rất khó để họ đi tiếp trên con đường kinh doanh”, bà Mỹ nói.
Về phía nhà nước, Tổng Thư ký VPA cho rằng cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tùy vào quy mô sản xuất, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí để đầu tư các thiết bị tiết kiệm năng lượng, cũng như tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ đi học và thực hành để giảm thiểu năng lượng tốt nhất có thể.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Huỳnh Thị Mỹ cho biết, trong năm 2022, ngành nhựa vẫn tăng trưởng tương đối tốt so với các ngành khác. Tuy nhiên, năm 2023, nền kinh tế dự báo xấu, ngành nhựa cũng sẽ bị ảnh hưởng như: giảm doanh số về xuất khẩu, sức mua thị trường nội địa yếu.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp diễn ra chậm, thị trường xuất khẩu chính vẫn là Hoa Kỳ. Đối với giá nhựa, trong 2 tuần đầu sau Tết, giá nhựa có tăng lên khoảng 10%, nhưng đến nay đang đứng lại và giảm nhẹ. Với nhu cầu yếu hiện nay, trong thời gian tới giá nhựa cũng sẽ không có nhiều biến động.