3 ngành tư pháp họp có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo?
Tại phiên chất vấn sáng 20-3, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu câu hỏi hiện nay có còn hiện tượng 3 ngành cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án họp với nhau nữa hay không?
"Việc họp như vậy có đảm bảo tính độc lập xét xử của tòa án, của thẩm phán không? Việc họp 3 ngành như vậy có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo trong các quan hệ tố tụng không?", ông Thịnh đặt câu hỏi.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đối với những vụ án lớn, phức tạp thì các cơ quan tiến hành tố tụng họp nhưng không ảnh hưởng đến tính độc lập của tòa án.
"Họp để bàn giao tài liệu, thống nhất với nhau về lộ trình xét xử, đưa vụ án ra xét xử cho đúng người, đúng pháp luật, chứ không phải bàn với nhau về tội danh, mức phạt, mức án, ông này bao năm, ông kia bao năm, thu của ông này cái gì...
Tất cả các vụ án lớn đều phải có phối hợp với nhau, chuyển từ công an sang viện kiểm sát ngồi với nhau để bàn hồ sơ. Từ viện kiểm sát sang tòa án phải bàn với nhau về hồ sơ... Việc phối hợp với nhau là cần thiết", ông Bình nêu rõ.
Có đại biểu Quốc hội đề nghị chánh án "chỉ đạo giải quyết vụ này, vụ kia"
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết về giải pháp, chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đề cập, nhưng trách nhiệm chưa làm rõ.
Bà Thúy nêu lên hai bản án để lấy ví dụ là bản án hình sự phúc thẩm ngày 15-5-2020 liên quan đến tài sản đất đai nhà nước tính theo giá đất tại thời điểm khởi tố.
Bản án hình sự phúc thẩm ngày 29-11-2021 về khu đất 812 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) lại xác định thiệt hại tại thời điểm các bị cáo phạm tội.
Nữ đại biểu nhấn mạnh, đối với những vụ án còn bất nhất như thế thì trách nhiệm của chánh án như thế nào và chánh án có kháng nghị bản án để xử theo đúng với quy định pháp luật hay không?
Trả lời câu hỏi về hậu quả của các vụ án được tính ở thời điểm xảy ra hay thời điểm khởi tố, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định về khoa học pháp lý và luật pháp, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm xảy ra phạm tội.
Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và thủ đoạn cũng được tính ở cùng thời điểm, nếu tính hậu quả ở thời điểm khác thì không đảm bảo tính khoa học.
Theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn, theo đó, từ nay tất cả các vụ án đều được xác định thời điểm khởi tố. Tuy nhiên, về xác định tài sản, sẽ thu tài sản tại thời điểm thi hành án, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Trước đó, trả lời ý kiến của đại biểu, ông Bình nhấn mạnh, độc lập là nguyên tắc căn cốt trong hoạt động của tòa án.
Ông Bình nêu đã đưa ra nhiều nguyên tắc đảm bảo nguyên tắc độc lập như quy trình phân án ngẫu nhiên, đưa vào máy tính để phân các vụ án cho thẩm phán "như bấm biển số xe" nhằm khắc phục can thiệp hành chính, quan hệ thân quen với nhau...
Ngoài việc kiểm tra, tòa tối cao cũng đặt ra quy chế, chánh án tòa án các địa phương không can thiệp việc xét xử.
Ông Bình dẫn lại việc nhiều đại biểu Quốc hội có chuyển đơn, trong đó đề nghị chánh án "chỉ đạo giải quyết vụ này, vụ kia". Tuy nhiên, đề nghị các đại biểu tuân thủ nguyên tắc độc lập xét xử của tòa.
"Chúng tôi nhận đơn của đại biểu Quốc hội chỉ chuyển đơn giải quyết theo thẩm quyền của tòa án. Nhiều đại biểu trách chánh án vì sao không chỉ đạo? Nhưng chánh án chỉ đạo sẽ vi phạm độc lập xét xử của tòa án", ông Bình nói thêm.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết dù phấn đấu cả đời được thẩm phán nhưng các thẩm phán rất lo lắng về việc không được tái bổ nhiệm khi án xét xử bị hủy, sửa quá tỉ lệ cho phép.
Xem thêm: mth.46532241102303202-ux-tex-court-poh-na-aot-tas-meik-neiv-na-gnoc-hnagn-3-oas-iv/nv.ertiout