Hòn Trống Mái là danh thắng thuộc Cụm Di tích lịch sử văn hoá danh thắng Núi Trường Lệ đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là cụm Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ năm 1962.
Theo truyền thuyết, trong một lần chàng trai đánh cá làng Trường Lệ tình cờ cứu sống một cô gái bị sóng biển xô vào bờ, kể từ đó hai người yêu nhau, rồi kết làm vợ chồng. Nhưng vì, cô gái vốn là tiên nữ nhà trời, vì mắc tội nên bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới.
Đến khi hết hạn đi đày thì Ngọc Hoàng sai chư thần xuống đưa tiên nữ về trời, nhưng tiên nữ quyết ở lại với người chồng dưới trần thế không muốn trở về. Sau đó, Ngọc Hoàng tức giận sai Thiên Lôi xuống hỏi tội.
Khi Thiên Lôi tới thì chỉ thấy một bãi đá nằm trên núi Trường Lệ nhìn ra ngoài khơi xa biển cả mênh mông. Với tình yêu chung thuỷ, đôi vợ chồng trẻ đã biến thành đá để được vĩnh viễn bên nhau mãi mãi. Hòn đá lớn là người chồng, hòn đá nhỏ hơn là người vợ.
Đến với núi Trường Lệ, xung quanh du khách còn thấy nhiều hòn đá nhỏ khác, hình thù giống đàn lợn, con mèo, chiếc mâm, bếp núc… Chính vì vẻ đẹp tự nhiên pha chút kì bí nên du khách về Sầm Sơn tham quan đều muốn lên núi Trường Lệ chụp ảnh lưu niệm bên hòn Trống Mái.
Kể từ năm 2019, Lễ hội tình yêu hòn Trống Mái được thành phố Sầm Sơn xây dựng và thực hiện nhằm tôn vinh tình yêu đôi lứa, thủy chung, son sắc như hòn Trống Mái ngàn năm vẫn bên nhau.
Du khách từ TP Thanh Hóa chỉ mất hơn 30 phút để đến đến với Hòn Trống Mái nằm trên đỉnh núi Trường Lệ, thành phố Sầm Sơn Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Hòn Trống Mái là tên gọi của hai hòn đá nằm chênh vênh nặng hàng chục tấn trên đỉnh dãy núi Trường Lệ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Hòn Trống Mái mặt trước nhìn ra biển và phía sau lưng là thành phố biển Sầm Sơn hiện đại. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Hòn Trống Mái có ba tảng đá xếp chồng lên nhau, một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trên tảng đá đế giống như hình dáng con gà trống, hòn đối diện thì nhỏ hơn có dáng tựa con gà mái nên được dân gian đặt tên là hòn Trống Mái. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Theo người dân địa phương thì hòn Trống Mái gắn liền với chuyện về tình yêu đôi lứa thủy chung, vững bền. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Đến với núi Trường Lệ, xung quanh du khách còn thấy nhiều hòn đá nhỏ khác nhau ngay bên cạnh hòn Trống Mái. |
Suốt hàng ngàn năm qua hòn đá vẫn vững chãi, bất chấp dòng chảy của thời gian. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Hàng năm trong sự kiện khai mạc Lễ hội biển Sầm Sơn, cùng với đó là Lễ hội tình yêu được tổ chức ngay tại nơi hai hòn đá ngàn năm bên nhau. |
Hai hòn đá với tên gọi đặc biệt, suốt những năm qua đã thu hút hàng vạn lượt khách du lịch đến tham quan. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Hòn Trống Mái đã trở thành điểm đến của du khách khi đến với Sầm Sơn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Cùng với đó, hòn Trống Mái còn là điểm đến của những cặp tình nhân mong muốn có tình yêu bền chặt. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Ở mỗi góc khác nhau Hòn Trống Mái đều thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Vì thế, khi du khách về Sầm Sơn tắm biển nghỉ dưỡng thì hòn Trống Mái là địa điểm không thể bỏ qua. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2023
Ngày 20-3, UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn, Lễ hội du lịch biển năm 2023.
Đây là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn.
Chương trình khẳng định những đổi thay tích cực, chuyển biến mạnh mẽ trong diện mạo đô thị và chất lượng dịch vụ du lịch Sầm Sơn với những sản phẩm du lịch đặc sắc.
UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin: Điểm nhấn đặc sắc của sự kiện này chính là chương trình nghệ thuật và màn bắn pháo hoa tầm thấp được đông đảo người dân và du khách chờ đợi.
Sau lễ kỷ niệm tại Sầm Sơn cũng diễn ra các hoạt động lễ hội hấp dẫn du khách như Lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái vào các ngày 7, 8, 9-4; Lễ hội bánh chưng - bánh giầy tại sân khấu Đền Độc Cước vào ngày 29-6; Lễ hội cầu ngư, bơi chải tại Cảng cá Lạch Hới ngày 1 và 2-7.