Ngày 20.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 bị cáo trong vụ chiếm đoạt 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân.
Hội đồng xét xử (HĐXX) dành thời gian để đại diện viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng tranh luận về vấn đề trách nhiệm dân sự, xung quanh việc ai sẽ phải trả tiền cho các "đại gia" trong vụ án.
Tranh luận ai sẽ trả tiền cho "đại gia"
Trước đó, trình bản bản luận tội, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về dân sự, đại diện viện kiểm sát đề nghị "siêu lừa" Hà Thành phải bồi thường cho VietAbank 249 tỉ đồng, NCB 47,5 tỉ đồng và PVcomBank 49,4 tỉ đồng. 3 ngân hàng phải trả lại cho một số chủ sở hữu sổ tiết kiệm, tổng 109 tỉ đồng.
Tham gia tranh luận, phía các ngân hàng không đồng tình với quan điểm trên. Các ngân hàng cho rằng bản chất quan hệ giữa "siêu lừa" Hà Thành và những người có sổ tiết kiệm là vay tiền, hứa hẹn trả lãi cao, ngân hàng chỉ là công cụ đảm bảo cho quan hệ dân sự này. Do vậy, người phải trả tiền cho các "đại gia" là bị cáo Thành chứ không phải ngân hàng.
Luật sư và đại diện các ngân hàng còn đề nghị HĐXX thay đổi tư cách tố tụng của ngân hàng từ bị hại thành người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đại diện PVcomBank còn đề nghị được xử lý đối với các sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn, nhằm thu hồi khoản vay của nhóm bị cáo Hà Thành; đồng thời thu hồi khoản lãi mà ngân hàng này đã trả cho vợ chồng ông này từ khi phát hành sổ tiết kiệm.
Đại diện NCB đề nghị tuyên bố giao dịch gửi tiền của vợ chồng ông Toàn, giao dịch cầm cố sổ tiết kiệm, giao dịch NCB cho vay… đều là vô hiệu. Theo đó, bị cáo Thành sẽ là người phải trả tiền cho vợ chồng ông Toàn chứ không phải ngân hàng.
Còn tại VietABank, ngân hàng này đã dùng các khoản tiền gửi của các đồng sở hữu nhằm tất toán các khoản vay mà nhóm "siêu lừa" vay. Ngân hàng đề nghị tòa án đánh giá việc rút tất toán số tiền trên là có căn cứ pháp luật, đồng thời buộc bị cáo Thành phải bồi thường cho ngân hàng và các đồng sở hữu…
Không đồng tình với quan điểm của các ngân hàng, một số "đại gia" cho hay giữa mình và "siêu lừa" Hà Thành không phải quan hệ cho vay, họ mong muốn tòa buộc các ngân hàng phải trả lại tiền cho mình theo quy định pháp luật.
"Còn ai yên tâm để gửi tiền vào nữa"
Trong phần đối đáp, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội bác bỏ đề nghị thay đổi tư cách tố tụng của đại diện các ngân hàng cũng như luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Kiểm sát viên cho rằng, số tiền mà các "đại gia" gửi tiết kiệm và số tiền mà "siêu lừa" Hà Thành vay của các ngân hàng là khác nhau, việc đánh đồng là không có căn cứ, bởi bị cáo làm mất tiền là mất tiền của ngân hàng, chứ không phải làm mất tiền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm.
Đại diện viện kiểm sát ghi nhận các khoản vay của bị cáo Hà Thành tại các ngân hàng đều được bảo đảm bởi các sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, các chủ sổ tiết kiệm đều không biết và không đồng ý cầm cố các sổ. Điều này được thể hiện qua chính lời khai của "siêu lừa" cũng như kết luận giám định, rằng bị cáo cùng đồng phạm làm giả chữ ký của các đồng sở hữu trong các hợp đồng cầm cố. Vì thế, các sổ tiết kiệm không thể coi là tài sản đảm bảo hợp pháp cho khoản vay.
Vẫn theo đại diện viện kiểm sát, việc VietABank tự ý tất toán các sổ tiết kiệm của khách là không có căn cứ. Bởi lẽ, ngày từ tháng 12.2019, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng không được tự ý tất toán tiền liên quan vụ án đang được thụ lý giải quyết.
Do đó, VietABank tự ý tất toán tiền của người gửi là không có căn cứ pháp luật và không tuân thủ các quyết định của cơ quan điều tra.
Lập luận của kiểm sát viên còn cho thấy, dù bị thiệt hại nhưng thực tế các ngân hàng vẫn tiếp tục sử dụng các sổ tiết kiệm trong suốt 4 năm qua để phục vụ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, với những người gửi tiền, đây là số tiền rất lớn, họ gửi tiền sổ tiết kiệm vì nghĩ rằng rất an toàn.
"Các ngân hàng cứ đòi thay đổi tư cách tố tụng, không bồi thường tiền cho người gửi sổ tiết kiệm, còn tự ý tất toán, rồi phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng nhiều năm. Những người chứng kiến phiên tòa và nghe được lời biện luận của ngân hàng, giải quyết với khách hàng thế này thì còn ai yên tâm để gửi tiền vào nữa?", kiểm sát viên đặt câu hỏi.
Đại diện viện kiểm sát cũng cho rằng ngân hàng với tư cách là pháp nhân, khi nhân viên làm sai đương nhiên phải có trách nhiệm. Phía ngân hàng có phần lỗi không nâng cao công tác đào tạo nhân sự, dẫn đến họ làm sai.
Đại diện PVcomBank cho rằng mình rất tôn trọng quyền của người gửi tiền, nhưng đó là quyền của những người gửi tiền chân chính.
Ngân hàng này cho biết từng có ý định trả lại tiền cho chủ sổ tiết kiệm, nhưng khi biết mối quan hệ giữa "siêu lừa" Hà Thành và vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn thì chưa thực hiện giải tỏa sổ, đồng thời quyết định tạm giữ các sổ.
Hiện nay, sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn vẫn được bảo toàn, bao gồm cả gốc và lãi. PVcomBank chỉ có cơ sở giải quyết các sổ tiết kiệm này theo đúng bản án có hiệu lực pháp luật.