Đan Mạch chỉ có chưa tới 6 triệu dân nhưng theo số liệu mới nhất thì TikTok đã được cài đặt trên 1,4 triệu điện thoại và máy tính bảng tại đây.
Theo số liệu từ chương trình nghiên cứu truyền thông của Đài phát thanh truyền hình DR thì mỗi thiếu niên Đan Mạch trong độ tuổi 9 - 14 dành 1 giờ 18 phút cho ứng dụng này mỗi ngày.
Nếu vào năm 2019, chỉ có 3% thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 29 sử dụng TikTok hằng tuần, con số này đã tăng lên 41% mỗi tuần vào năm 2022.
TikTok tưởng chỉ "vui thôi mà!"
TikTok giống như sự kết hợp của Instagram, YouTube và Snapchat, và người sử dụng có thể đạt được 1.000 lượt xem cho video của mình chỉ trong vài phút và "lan truyền" sau vài giờ.
TikTok được tạo ra để lan truyền nội dung đến càng nhiều người càng tốt và thưởng cho những người đăng bài thường xuyên và sử dụng các tính năng tích hợp.
Tính năng này dễ dàng dẫn tới những khuynh hướng, biểu hiện lệch lạc, thậm chí nguy hiểm, thí dụ như tham gia vào các thử thách như Cha Cha Slide, Penny Challenge và Orbeez Challenge (hiện đang bị cấm trên nền tảng này) để có lượt xem cao trên video và trở nên nổi tiếng trên mạng.
Theo các chuyên gia về giáo dục, tâm lý học thì TikTok không chỉ khiến người dùng nghiện mạng, gây mất tập trung trong công việc hay nhiệm vụ do mải theo dõi TikTok.
Nó còn có nguy cơ làm mất các dữ liệu cá nhân nhạy cảm do vô tình tiết lộ cuộc sống riêng tư qua các video của chính mình, truyền bá hay góp phần truyền bá các thông tin sai lệch qua các video giả tạo để thu hút sự chú ý... và còn gây ra những tác động tiêu cực về tâm lý.
Trên thực tế có không ít người dùng các video có thời gian từ 15 tới 60 giây trên TikTok để khoe khoang, tô vẽ cuộc sống của mình, khắc họa những bức tranh phi thực tế về một cuộc sống lý tưởng, khiến nhiều người xem cảm thấy bất lực, tự ti khi so sánh bản thân với những gì nhìn thấy trên mạng, từ sự sung túc (có khi là giả tạo) tới ngoại hình (qua những hình ảnh được chỉnh sửa kỹ càng).
Hơn thế nữa, dưới vỏ bọc "một khu vực tự do ngôn luận", nơi người sử dụng được khuyến khích "thể hiện bản thân một cách trung thực và cởi mở", kẻ xấu có thể tạo ra những tài khoản giả để quấy rối, miệt thị, tạo bạo lực mạng, với những người sử dụng khác, qua phần nhận xét về video hoặc tin nhắn trực tiếp.
Nguy cơ từ "siêu bộ lọc" của TikTok
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 của Trường đại học City University of London (Anh) về tác động của những công cụ trên điện thoại thông minh đối với đánh giá của phụ nữ trong độ tuổi 18 - 30 về ngoại hình của chính họ, cho thấy đa số cho rằng các bộ lọc và ứng dụng chỉnh sửa ảnh đã "tăng áp lực về ngoại hình".
85% phụ nữ được khảo sát cho biết đã sử dụng các bộ lọc hoặc ứng dụng làm đẹp để chỉnh sửa ảnh chụp của họ.
Thế nên, một công cụ mới của TikTok, siêu bộ lọc Bold Glamour, từ khi được giới thiệu vào cuối tháng 2 vừa qua, đã gây bão trên mạng với chức năng bổ sung nhiều đặc điểm cho khuôn mặt mà nhiều người cho là đẹp theo trào lưu.
Nói cách khác là giúp người sử dụng thay đổi diện mạo trên các bức ảnh tự chụp, tạo nên một diện mạo mới, hoàn hảo cho mình và siêu chân thực, tới mức gần như không thể phát hiện ra.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Bold Glamour tạo ra một lý tưởng làm đẹp phi thực tế, có thể gây hại trực tiếp đến sự tự tin và lòng tự trọng của mỗi người, tác động tiêu cực đến tâm lý của những người sử dụng đối với nhận thức về bản thân, đặc biệt là những người trẻ tuổi vì không cảm thấy hài lòng khi so sánh hình ảnh thực tế với phiên bản hoàn hảo mà bộ lọc tạo ra.
Trong một khảo sát của Đài truyền hình DR1, một TikToker có tiếng tại Đan Mạch, Oskar Tonder, 21 tuổi, đã gọi đó là "sự thao túng thực tế" khi người ta cố gắng thể hiện một thực tế không đúng với sự thật nhờ những bộ lọc như Bold Glamour.
Báo Berlingske đã dẫn lời của Chris Pinchen - một chuyên gia về bảo vệ dữ liệu và sử dụng sáng tạo phương tiện kỹ thuật số: "Đằng sau TikTok là những người cực kỳ thông minh, chuyên tạo ra những trải nghiệm có thể thao túng cảm xúc của người dùng và duy trì sự quan tâm của họ. Bold Glamour là một trong những công cụ đó".
Theo bà Pernille Ballisager - một nhà tư vấn thuộc Trung tâm sư phạm kỹ thuật số Đan Mạch, hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay đều nhận thức được rằng nhiều hình ảnh họ nhìn thấy trên mạng xã hội đã được chỉnh sửa hoặc chụp bằng bộ lọc.
Nhưng điều này không có nghĩa là họ không bị ảnh hưởng bởi cái gọi là bộ lọc làm đẹp khi tiếp cận với những tiêu chuẩn lý tưởng và không thực tế về ngoại hình khi còn nhỏ.
Người lớn phải chủ động giúp con trẻ dùng TikTok
Trước làn sóng phản đối tại nhiều nước phương Tây, TikTok đã hứa sẽ phát triển các tính năng để hạn chế việc sử dụng TikTok với những người dùng dưới 18 tuổi, bổ sung các biện pháp kiểm soát những nội dung mà phụ huynh không muốn con mình xem, kiểm soát và giới hạn thời gian con em sử dụng TikTok trong ngày và đêm...
Một số tổ chức về quyền trẻ em tại châu Âu như Red Barnets - Save the Children của Đan Mạch, đã đưa ra một số lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh giúp con em sử dụng ứng dụng này một cách an toàn hơn, thay vì cấm hay hạn chế, vì điều này rất khó để thực hiện.
Theo Save the Children thì với tư cách là cha mẹ hoặc chuyên gia, hãy nói chuyện với trẻ em, thiếu niên một cách nghiêm túc, chẳng hạn như thỏa thuận về cách sử dụng ứng dụng, giúp trẻ thay đổi cài đặt sao cho phù hợp.
Ngoài ra cần nhắc nhở cẩn trọng khi thực hiện các video vì những cảm nhận của công chúng có thể khác xa với ý đồ của người thực hiện, biết cách báo cáo về những nội dung hoặc bình luận khó chịu nếu cần thiết, để tránh tình trạng bị lạm dụng hay nguy cơ bạo lực mạng…
Tổ chức này cũng khuyến cáo trẻ em dưới 13 tuổi không nên sử dụng TikTok.
Tuy nhiên nhiều người có chung nhận xét là ngay cả những người trưởng thành cũng cần phải tỉnh táo để phân biệt rạch ròi giữa cuộc sống ảo và thực tế.
Khi được Đài truyền hình DR1 hỏi về Bold Glamour, một TikToker nổi tiếng của Đan Mạch, Melissa Bentsen, 25 tuổi, nói rằng cô không muốn phán xét ai nhưng "Tôi có lẽ hơi buồn khi bạn không thể yêu những gì bạn có".
Các nước phương Tây và đồng minh của họ liên tục nối gót nhau công bố lệnh cấm nhằm vào TikTok. Tại Trung Quốc, có người coi đây là "phân biệt đối xử", nhưng cũng có người xem đó chỉ là chuyện bình thường.
Xem thêm: mth.26740556191303202-kotkit-nert-hnim-eohk-oediv-gnuhn-ut-yugn-meih/nv.ertiout