Thủ tướng Kishida cho biết chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở mới của Nhật Bản có "bốn trụ cột".
Trong đó trụ cột hàng đầu là duy trì hòa bình, trụ cột thứ hai là giải quyết các vấn đề toàn cầu mới thông qua hợp tác với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung với Ấn Độ và Mỹ, cũng như các cuộc diễn tập với ASEAN và các đảo quốc Thái Bình Dương", ông Kishida nói.
Trụ cột thứ ba gồm thúc đẩy kết nối toàn cầu thông qua các nền tảng khác nhau và cuối cùng là đảm bảo an toàn cho vùng biển và không phận quốc tế.
Để đạt được điều này, ông Kishida cam kết Nhật sẽ dành 75 tỉ USD cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến năm 2030.
Số tiền này sẽ được cung cấp thông qua các khoản đầu tư tư nhân và các khoản vay bằng đồng yen. Tokyo cũng cam kết tăng cường viện trợ thông qua các khoản trợ cấp và hỗ trợ chính thức của chính phủ.
Hãng tin Reuters bình luận chiến lược được công bố ở New Delhi là nỗ lực của Tokyo nhằm củng cố quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các nước ở Nam và Đông Nam Á để chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thủ tướng Kishida thăm Ấn Độ trong hai ngày 20 và 21-3. Chuyến công du diễn ra không lâu sau khi ông gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để khép lại các vấn đề lịch sử giữa hai nước Đông Bắc Á.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng ngày 20-3, Thủ tướng Kishida đã mời nhà lãnh đạo Ấn Độ đến thành phố Hiroshima dự Hội nghị thượng đỉnh G7.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về các ưu tiên của hai nước trong nhiệm kỳ chủ tịch G7 và G20 năm nay.
Hiện Ấn Độ đang muốn tăng cường tiếng nói của các nước Nam bán cầu (Global South - gọi chung cho các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á - PV) trong nhiệm kỳ này.
Theo ông Kishida, Nhật Bản cũng có mong muốn tương tự như Ấn Độ và kêu gọi các nước Nam bán cầu đoàn kết trong thời gian tới.
"Ấn Độ là một đối tác thiết yếu khi hiện thực hóa tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở của chúng tôi", Thủ tướng Kishida trả lời khi được hỏi tại sao ông chọn New Delhi để công bố chiến lược mới.
Trước đó trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Modi cho biết việc tăng cường quan hệ đối tác Ấn Độ - Nhật Bản "không chỉ quan trọng đối với cả hai nước mà còn thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Ngày 27-2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói trước Quốc hội về việc Nhật Bản cân nhắc mua 400 tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Xem thêm: mth.11594102202303202-couq-gnurt-ohp-iod-iom-coul-neihc-ob-gnoc-nab-tahn-od-na-ut/nv.ertiout