"Ủy ban điều tra Nga đã mở vụ án hình sự chống lại công tố viên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) Karim Ahmad Khan, các thẩm phán của ICC là Tomoko Akane, Rosario Salvatore Aitala và Sergio Gerardo Ugalde Godinez Godinez", Hãng thông tấn Tass trích thông báo của ủy ban này phát ngày 20-3.
Ủy ban, nơi chịu trách nhiệm điều tra các tội phạm nghiêm trọng của Nga, cho biết không có cơ sở để buộc tội ông Putin và các nguyên thủ quốc gia được miễn trừ tuyệt đối khỏi quyền tài phán của các quốc gia nước ngoài.
Matxcơva nói "ICC có dấu hiệu phạm tội theo pháp luật hình sự Nga"
Thông báo cũng cho rằng hành động của công tố viên và thẩm phán tòa ICC có dấu hiệu phạm tội theo pháp luật hình sự Nga.
Cụ thể, những người này đã cố ý buộc tội một người vô tội và "chuẩn bị tấn công đại diện của một quốc gia nước ngoài được hưởng sự bảo vệ quốc tế, nhằm làm phức tạp quan hệ quốc tế".
Công tố viên tòa ICC Karim Ahmad Khan đã mở cuộc điều tra ở Ukraine cách đây một năm. Trong bốn chuyến đi tới Ukraine, ông nhấn mạnh đang xem xét các cáo buộc tội ác đối với trẻ em và việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự.
Trong cuộc họp với bộ trưởng tư pháp các nước để thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ cho ICC ngày 20-3, Công tố viên Karim Ahmad Khan đã gọi quyết định phát lệnh bắt ông Putin là "một khoảnh khắc đáng buồn".
Ông giải thích đây là lần đầu tiên các thẩm phán của ICC cảm thấy cần phải bắt giữ một nhà lãnh đạo và các quan chức cấp cao của một nước là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
"Đây không phải là khoảnh khắc cho một sự hân hoan hay đắc thắng gì cả", ông giãi bày.
Theo Hãng tin Reuters, động thái của Nga nhằm đáp trả lại việc ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin và Ủy viên tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov hôm 17-3 vì các vấn đề gây tranh cãi tại Ukraine.
Nga đã phản đối quyết định của ICC và tuyên bố lệnh bắt giữ này là vô hiệu vì nước này không phải là một thành viên của tòa.
Tuy nhiên vấn đề đã trở nên phức tạp khi Đức, quốc gia dẫn dắt Liên minh châu Âu, tuyên bố sẽ tuân thủ lệnh bắt giữ của ICC.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann cam kết nước này sẽ bắt và bàn giao ông Putin nếu nhà lãnh đạo Nga đặt chân tới lãnh thổ Đức.
Các nước thành viên ICC như Anh, Pháp, Canada cam kết ủng hộ tòa án này và lệnh bắt, nhưng không nêu cụ thể các hành động pháp lý.
Trung Quốc không phải là thành viên ICC
Tòa án hình sự quốc tế (ICC) được thành lập ngày 17-7-1998 theo Quy chế Rome và có hiệu lực từ ngày 1-7-2002. Hiện 123 quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome. Trong số các nước không công nhận ICC có Mỹ, Israel, Trung Quốc, Iran, Ấn Độ và Nga.
Không nên nhầm lẫn ICC với Tòa án công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
ICC cho rằng họ phải "chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất bất hợp pháp dân số (trẻ em) và di chuyển bất hợp pháp dân số (trẻ em) từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga".