Như Thanh Niên thông tin, tối 19.3, Đội CSGT Hàng Xanh thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn phụ trách. Lúc 21 giờ, CSGT lập chốt tại giao lộ Phạm Văn Đồng - QL13 (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM). Lúc 22 giờ 30 phút, ông N.T.T (59 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) chạy xe máy biển số 59S2 - 452… trên đường Phạm Văn Đồng hướng về cầu Bình Triệu. CSGT phát hiện ông T. lái xe không vững, có dấu hiệu say nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Kết quả nồng độ cồn của ông T. lên tới 1,363 mg/lít khí thở.
Trong lúc chưa kịp xử phạt ông T., CSGT phát hiện ông N.Q.Đ. (55 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) chạy xe máy biển số 59E1 - 323… trên QL13 có dấu hiệu say nên dừng xe kiểm tra. Kết quả nồng độ cồn của ông Đ. là 1,318 mg/lít khí thở.
Cả hai trường hợp trên đều bị CSGT lập biên bản xử phạt kịch khung.
Trong khoảng 2 giờ làm việc, Đội CSGT Hàng Xanh lập biên bản, xử phạt 8 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có đến 6 trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (trên 0,4 mg/lít khí thở).
Đừng chủ quan để ân hận cả đời
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ bức xúc trước tình trạng nhiều người thiếu ý thức, đã uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển xe. "Một số người xem thường luật pháp quá, sử dụng rượu bia rồi mà vẫn ngang nhiên điều khiển phương tiện giao thông. Chính sự thiếu ý thức này trở thành mối đe dọa cho người khác khi tham gia giao thông. Không cần phải nói nhiều, cứ sai thì phạt nặng để làm gương. Chúng ta tuyệt đối không nhân nhượng với những hành vi gây nguy hiểm cho người khác", BĐ Trọng Hà nêu ý kiến.
Tương tự, BĐ Quốc Tuấn cho rằng hành vi của những người đã uống rượu bia vẫn lái xe là xem thường pháp luật, xem thường tính mạng bản thân và người khác. "Mong CSGT tiếp tục mạnh tay thì tình trạng này mới cải thiện. Đã sử dụng rượu bia thì tuyệt đối không lái xe", BĐ này ý kiến thêm.
BĐ Ba Hoai khuyên: "Nếu xác định đi ăn và sử dụng thức uống có cồn thì nên đi xe ôm, taxi. Ngoài việc tránh bị phạt ra thì hơn hết là an toàn cho chính bản thân và cho những người khác trên đường".
Còn BĐ Vân Nguyễn bày tỏ: "Biết bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra, biết bao nhiêu trường hợp bị phạt nặng vì vi phạm nồng độ cồn mà vẫn không thể rút ra bài học cho một số người. Đã biết sẽ đụng đến bia rượu thì tại sao vẫn điều khiển xe máy, ô tô? Thời buổi bây giờ taxi, xe ôm công nghệ đầy đó. Đừng vì một phút chủ quan để rồi suốt đời ân hận...".
Cần tăng mức xử phạt
Nhiều BĐ cũng "mong lực lượng chức năng tiếp tục duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra xử phạt", vì cho rằng chỉ có làm thường xuyên và mạnh tay mới dần đẩy lùi được tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn. "Cá nhân tôi nghĩ lực lượng chức năng duy trì kiểm tra, xử phạt thường xuyên thì mới có thể giảm bớt tình trạng này. Nếu chỉ xử lý theo từng đợt thì được một thời gian là đâu lại vào đấy. Chúng ta không thể để những kẻ thiếu ý thức ung dung trở thành mối đe dọa, nguy hiểm đối với nhiều người tham gia giao thông", BĐ Tấn Phan đề nghị.
Cùng quan điểm, BĐ Hùng Khanh ý kiến: "Hiện nay tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn còn rất nhiều, thậm chí đã có biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm xảy ra vì người điều khiển giao thông sử dụng bia rượu. Mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử phạt, thậm chí là tăng mức phạt để đảm bảo tính răn đe. Rõ ràng là ý thức tự giác để bảo vệ mình và người khác khỏi liên lụy vào tai nạn do rượu bia ở một số người vẫn chưa có".
BĐ Thiết Hùng góp ý: "Cá nhân tôi ủng hộ công an phạt kịch khung người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Muốn nhậu với nhau thì cất xe máy, ô tô ở nhà hoặc gửi rồi thuê xe ôm công nghệ, taxi đến nơi nhậu xả láng, vừa an toàn cho bản thân, cũng như người khác".
Mọi lý do đều không thể chấp nhận. Nếu không biết luật xin đừng ra đường để đảm bảo an toàn bản thân và xã hội.
Do Phong
Đã uống rượu bia thì không lái xe. Thà bỏ ra một hai trăm ngàn đi xe ôm công nghệ cả đi lẫn về còn hơn tốn mấy triệu đồng tiền phạt, chưa kể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Ngọc Phạm