Vì đồ ăn có "sức sống"
* Hiền đã đến với nghề nhiếp ảnh quảng cáo chuyên về ẩm thực này như thế nào?
- Hiền theo nghề rất tình cờ. Hồi nhỏ Hiền mê vẽ, lớn lên học thời trang ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Lúc đó, chị của Hiền mở một shop mỹ phẩm. Hiền chụp ảnh sản phẩm cho chị, không ngờ người khác xem xong lại book Hiền đi chụp.
Hiền nhận, thấy chụp ảnh cũng hay nên theo anh Chương (nghệ danh ProK - Đặng Quốc Chương) học nghề. Rồi nghề chọn người, Hiền theo nhiếp ảnh, chuyên chụp sản phẩm và sau này là ẩm thực.
* Theo Hiền, vì sao nghề này lại hiếm các nhiếp ảnh gia nữ đến vậy?
- Vì nghề cực quá! Khi chạy dự án, có lúc một ngày Hiền phải làm từ 16 - 18 tiếng, thậm chí 24 tiếng cho kịp deadline, tất nhiên là lúc còn trẻ (cười). Công việc "bào sức" quá nên rất ít nữ theo nghề, chỉ có vài người. Nếu không thật đam mê và quản lý tốt thời gian thì khó theo lâu dài được.
* Điều gì giúp Hiền trở thành nhiếp ảnh gia nữ hiếm hoi ghi được dấu ấn trong lĩnh vực "toàn nam"?
- So với các anh, Hiền không giỏi về kỹ thuật nhưng có thế mạnh về nghệ thuật. Hiền thích nghiên cứu về hình khối và màu sắc. Những kiến thức hình họa thời đại học là nền tảng giúp Hiền tiếp thu nhanh và tự học theo cách của riêng mình.
Về kỹ thuật, mọi thứ xung quanh Hiền đều quy về chất liệu và bề mặt. Chụp sản phẩm khó hơn vì có nhiều chất liệu khác nhau, ảnh dễ bị "khô", phải "set-up" ánh sáng thật đẹp. Chụp ẩm thực cho mình nhiều cảm xúc hơn vì đồ ăn có "sức sống", cái khó là nếu chụp không nhanh, món ăn sẽ "chết". Phải kết hợp cả sở trường nhiếp ảnh, sự am hiểu từng món ăn, nguyên liệu, thử thách về thời gian chụp...
Thị trường nhiếp ảnh quảng cáo hiện tại rất đông, phải có cá tính mới tạo được khác biệt. Cá tính trong ảnh của Hiền là sự tương phản về màu sắc, có cảm xúc và câu chuyện chứ không chỉ tập trung riêng về món ăn. Chẳng hạn với một thương hiệu gà rán, Hiền không chụp đồ ăn mà "bán" ý tưởng về chiếc ghế nhựa Việt Nam để tạo nên những câu chuyện thú vị, kết hợp giữa ẩm thực và đặc trưng văn hóa.
Lồng ghép văn hóa Việt
* Hiền có vẻ thích lồng ghép các yếu tố văn hóa Việt vào sản phẩm. Dự án nào Hiền tâm đắc nhất?
- Là dự án về hát bội. Trước đó, Hiền từng làm dự án cá nhân chụp những món ăn quen thuộc như bánh xèo, gỏi cuốn... một cách bay bổng. Hiền muốn thể hiện trong những món ăn bình dân vẫn có sự mỹ miều riêng. Nhìn ảnh, người xem có thể cảm nhận được kết cấu món ăn, độ mềm hay giòn, độ ngon và sự đa dạng trong chế biến...
Không ngờ qua đó, đại diện một thương hiệu pizza hẹn gặp Hiền. Chị kể về đam mê hát bội, về cuộc sống của các cô chú yêu nghề, về ý tưởng kết hợp pizza bánh mì và hát bội. Thú vị quá! Hiền cũng muốn góp sức cho hát bội, thế là nhận lời.
Hiền dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin, chủ động lên ý tưởng và được ủng hộ 100%. Lại mất hơn một tháng để lên nhà hát, ra sân đình xem các cô chú diễn. Có cô chú chỉ ra sân khấu 5 phút thôi nhưng vẫn dành hàng tiếng đồng hồ trang điểm, chuẩn bị chỉn chu... Mình rất ngưỡng mộ nên quay thêm clip ký sự.
Để dự án được chính xác, tụi mình chăm chút từng lá cờ, họa tiết trang phục, tìm hiểu ý nghĩa từng cách trang điểm nhân vật... Mình cũng tổ chức casting để chọn chính các nghệ sĩ hát bội. Các cô chú tham gia đông và rất chuyên nghiệp.
Khi công bố, dự án tạo được tiếng vang lớn. Chủ đề hát bội viral trên mạng, sản phẩm bán chạy, đoàn hát bội có suất diễn nhiều hơn, nhãn hàng in ảnh sang tận nơi tặng các cô chú... Mọi người đều vui! Đúng là càng chăm chút thì thành quả càng xứng đáng!
* Hiền có ý định tiếp tục các hoạt động chia sẻ về chuyên môn của mình trong tương lai?
- Hiện tại, tụi mình vẫn đang xây dựng một chuỗi workshop lớn nhỏ để chia sẻ, hướng đến các bạn sinh viên, học sinh và sắp tới sẽ kết hợp với các trường tại TP.HCM. Hiền cũng dự tính đi du học, xin vào các ê kíp của nước ngoài để học hỏi và tiếp tục phát triển bản thân khi còn có thể.
Ngành này đang phát triển quá nhanh nhưng không được chú trọng bài bản, dẫn đến thị trường khá xô bồ, các nhãn hàng cũng dễ cào bằng giá trị sản phẩm. Hiền và những người làm việc lâu năm như anh Chương rất muốn đóng góp để mọi thứ phát triển chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh ẩm thực
Khi nhận lời tổ chức workshop nhiếp ảnh ẩm thực cho một tập đoàn công nghệ thông tin và thiết bị điện tử nghe nhìn, Tạ Thu Hiền không ngờ công việc của mình lại nhận được chú ý đến thế.
Workshop nhận về hơn 400 lượt đăng ký ngay khi công bố và phải ngừng nhận thêm người tham gia.
Buổi workshop đầu tiên vừa qua với hình thức tái hiện quá trình chụp ảnh trong studio thu hút khán giả chăm chú theo dõi suốt hơn 3 tiếng đồng hồ.
Các bạn được trực tiếp tìm hiểu về quy trình công việc (workflow) từ lúc nhận đặt hàng, lên ý tưởng, thuyết phục đối tác, "set-up" ánh sáng, đạo cụ, món ăn, chụp ảnh, hậu kỳ và ra thành phẩm... để hiểu rõ quá trình sản xuất và cách vận hành của một ê kíp chuyên nghiệp.
Theo Tạ Thu Hiền, trước đây các nhãn hàng Việt thường chỉ làm việc với các ê kíp ở Thái Lan hoặc Singapore.
Gần đây, các nhóm ở Việt Nam ngày càng giỏi và phát triển nhanh nhưng chưa có workflow chuyên nghiệp, cũng chưa có nơi đào tạo về lĩnh vực này. Workshop là cơ hội để các bạn được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm làm việc cùng nhau.
Việt Nam không phải là một điểm đến xa lạ với những đầu bếp hạng sao Michelin nổi danh thế giới. Nhưng để nói về một nhà hàng hay một đầu bếp gắn sao Michelin, nền ẩm thực Việt cần nhiều hơn câu chuyện về chất lượng.
Xem thêm: mth.97721300112303202-cuht-ma-hna-peihn-em-x9-iag-oc-neih-uht-at/nv.ertiout