Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá chính sách thuế là một trong những chính sách hiệu quả nhất về mặt chi phí, giúp đạt được các mục tiêu y tế dự phòng, bao gồm giảm tỉ lệ và mức độ tiêu dùng các sản phẩm không lành mạnh, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do các bệnh liên quan đến tiêu dùng các sản phẩm này gây ra, cũng như các hệ lụy kinh tế - xã hội khác, đồng thời giúp gia tăng ngân sách thông qua thuế.
Theo TS Quang, việc Bộ Tài chính bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là hợp lý vì những lý do sau:
1. Đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…, những bệnh này và các bệnh không lây nhiễm khác là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu ở Việt Nam, hiện đang là gánh nặng y tế mà Việt Nam phải đối mặt.
2.Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Trong nhóm người trưởng thành, tỉ lệ này là 15,6% (2015) đã tăng lên 19,5% (2021).
Phân tích từ nhiều nghiên cứu năm 2020 và 2021 chỉ ra: tiêu thụ 1 lon đồ uống có đường (250ml) hằng ngày làm tăng nguy cơ:
→ Béo phì lên 12%;
→ Tiểu đường type 2 lên 19%;
→ Cao huyết áp 10%;
→ Nguy cơ bệnh tim mạch 13% và tăng nguy cơ tử vong 5%
Đồ uống có đường còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe răng miệng như sâu răng. Năm 2015 Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.
3. Mức tiêu thụ nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) ở Việt Nam đã gia tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ bình quân 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, nhất là ở nhóm tuổi trẻ.
Mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người đã tăng lên 52,1 lít/người vào năm 2020. Tỉ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày năm 2013 là 31,1%, đã tăng lên 33,9% vào năm 2019.
TS Quang cho biết các nghiên cứu cho thấy đánh thuế đồ uống có đường giúp giảm tiêu dùng, từ đó giảm tỉ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh có liên quan, đồng thời tiết kiệm được chi phí y tế. Đánh thuế đồ uống có đường sẽ làm giảm lượng mua và tiêu thụ đồ uống có đường.
Tại Anh, có nghiên cứu cho biết việc đánh thuế sẽ giúp giảm nhiều trường hợp mắc đái tháo đường type 2 mỗi năm, giảm trường hợp sâu răng/mất răng hoặc trám răng hằng năm.
Ở Mexico, nếu áp thuế suất 1 peso/1 lít đồ uống có đường, thì với 1 USD chi cho việc thực thi thuế sẽ tiết kiệm được 3,98 USD chi cho chăm sóc sức khỏe.
Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Y tế Công cộng và Quỹ nhi đồng Liện Hợp Quốc chỉ ra rằng: nếu đánh thuế ở mức tăng giá bán lẻ 20% thì sẽ giảm được 2,1% tỉ lệ thừa cân, 1,5% tỉ lệ béo phì, phòng tránh được nhiều ca đái tháo đường tuýp 2 và tiết kiệm được 2.500 tỷ đồng chi phí y tế.
Đặc biệt, hiện có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ, 9 bang của Mỹ và Tây Ban Nha đã áp dụng chính sách thuế nhằm tăng giá của đồ uống có đường để đạt mục tiêu giảm tiêu dùng. Trong đó có 56 quốc gia/vùng lãnh thổ và 9 bang đang thực hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này.
Vì vậy, theo TS Quang, vì sức khỏe của người dân cần xây dựng Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) một cách toàn diện và hiệu quả, trong đó có áp thuế mới lên đồ uống.
Trước đó, tại hội thảo ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), có nhiều ý kiến xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính, trong đó có ý kiến cần phải định nghĩa về đồ uống có đường, phân loại các sản phẩm như sữa có đường có thuộc nhóm đối tượng phải áp thuế...
Lý do theo vị này, sữa là sản phẩm thiết yếu và tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến khả năng mua sắm của các gia đình thu nhập thấp.
Hàng trăm doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống thông qua các đại diện của mình bày tỏ lo ngại về khái niệm "đồ uống có đường" vì có thể nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe cũng bị đánh thuế.
Xem thêm: mth.99912734112303202-gnoud-oc-gnou-od-euht-gnat-cul-ned-ad/nv.ertiout