Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gạo cho cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, đạt giá trị 3,45 tỉ USD, tăng 5,1% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021.
Nông dân lãi lớn?
Bộ Công Thương cho rằng đã đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi. Dẫn chứng giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg so với mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg, Bộ Công Thương cho rằng người nông dân có lợi nhuận trên 100%.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2022 và duy trì ở mức cao trong đầu năm 2023. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan là 15 - 27 USD và của Ấn Độ là 40 - 50 USD/tấn.
Thực tế không đơn giản
Nhận định về cách tính của Bộ Công Thương cho thấy nông dân lợi nhuận 100%, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cười nói: "Tính theo con số giá thành Bộ Tài chính công bố thì đúng lợi nhuận nông dân trồng lúa sẽ lời hơn 100%. Nhưng bộ đã tính hết chưa?".
Ông Bình cho rằng hiện nay ở ĐBSCL như các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp..., đa số đất trồng lúa trúng mùa là đất thịt, nông dân không có đất phải thuê 40 - 50 triệu đồng/ha.
"Một ha nếu trúng mùa đạt cao nhất 8 tấn, chứ không thể 10 tấn/ha. Nếu tính giá thành trên, người nông dân sẽ bán ra thị trường là 6.650 đồng/kg, được hơn 53 triệu đồng, chứ không phải hơn 66 triệu đồng mà lời 100%.
Mà hơn 53 triệu đồng này có nơi ba vụ có nơi hai vụ, tính trung bình chung 2,5 vụ/năm. Nhưng vụ hè thu với thu đông chắc chắn sẽ không được 8 tấn/ha như vụ đông xuân. Trung bình ra doanh thu của 2,5 vụ, trừ đi một nửa vì chi phí sản xuất, công cán... thì nông dân chỉ được hơn 16 triệu đồng/ha tiền lời thực tế", ông Bình tính cụ thể.
"Như vậy, 100% lúa trúng mùa và 2,5 vụ/năm với người dân ĐBSCL không có đất lúa (phải thuê đất) sẽ không có chuyện lời hơn 100%. Điều kiện có đất, đất có sẵn, được mùa trúng giá, có lời nhiều hơn. Chứ không thể nói lời 100% hoặc hơn", ông Bình nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một tập đoàn trồng và xuất khẩu lúa gạo lớn ở phía Bắc cho rằng tính nông dân lời hơn 100% từ con số giá thành sản xuất bình quân và giá thóc trên thị trường là đúng kết quả phép tính.
"Nhưng con số đó so với cái gì mới là quan trọng. Khi tính đã trừ hết chi phí tăng lên chưa, từ thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt, phân bón... có tính chưa? Mỗi địa phương, vùng miền, giá thành sản xuất bình quân sẽ khác nhau", lãnh đạo tập đoàn này cho hay.
Khó đạt lợi nhuận 100%
Ông Trương Thanh Nhàn - chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Phú An, huyện Phú Tân, An Giang - cho hay hiện nay giá lúa tăng mạnh trong vụ đông xuân 2022 - 2023, nông dân canh tác lúa, nếp có thể lợi nhuận đạt 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/công.
"Mùa này nông dân có thể thu về lợi nhuận từ 50 - 70% do chi phí ít tăng. Vài năm trước, phân lạnh trên 830.000 đồng/bao, nhưng hiện nay còn trên 600.000 đồng/bao. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất và giá lúa tăng cao nên nông dân trúng mùa chứ không lợi nhuận 100% đâu", ông Nhàn khẳng định.
Ông Trần Thanh Tâm - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp - cho hay nông dân Đồng Tháp sản xuất giá lúa thường (IR50404) khoảng 6.400 đồng/kg, nếp trên 7.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha thì nông dân có thể thu về lợi nhuận từ 2 - 2,2 triệu đồng/công.
"Với giá lúa này, nông dân phải tốn chi phí sản xuất gần 2,5 triệu đồng/công. Do đó, nông dân chỉ đạt lợi nhuận cao nhất khoảng 70%. Riêng đối với nông dân thuê đất trồng lúa thì lợi nhuận này sẽ ngày càng giảm theo", ông Tâm nói.
BỬU ĐẤU
Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023 sẽ nhiều thuận lợi, dự báo kim ngạch đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn.