Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Thị Diệu Anh, nhà tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, cho biết trong tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn hành vi ở trẻ em, thì hành vi hành hạ động vật được xem là một triệu chứng của rối loạn ứng xử (conduct disorder), xuất hiện chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên, được mô tả trong nhóm "hành vi hung hăng với người và động vật" như đánh, bắt nạt, trêu chọc, đốt phá, phá hoại, ngược đãi động vật.
* Những nguyên nhân nào dẫn đến các rối loạn này, thưa bà?
- Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rối loạn cư xử có thể bắt nguồn từ sự kết hợp của yếu tố di truyền, tâm lý, môi trường và xã hội. Xét về di truyền, nhiều trẻ có hành vi hành hạ động vật có người thân trong gia đình từng hoặc đang mắc các bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách...
Các nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều trẻ em và thanh thiếu niên có rối loạn cư xử cũng đồng thời mắc một số bệnh lý khác như trầm cảm, rối loạn chuyên biệt học tập, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu.
Xét về yếu tố tâm lý và gia đình, các vấn đề như gia đình bất hòa, trải nghiệm đau thương, cha mẹ không quan tâm, bị lạm dụng, có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhận thức của trẻ.
Tương tự thêm nguyên nhân trẻ có hành vi hành hạ động vật do bắt chước từ người khác. Nhiều hành vi hành hạ này còn được củng cố bằng sự cổ vũ, khen ngợi, cười hoặc lờ đi, khiến trẻ nghĩ rằng đó là hành vi được mong đợi, từ đó có xu hướng duy trì hành vi này. Ngoài ra, trẻ còn có sự bắt chước hành vi từ phim ảnh hay các trò chơi bạo lực.
* Trẻ nhỏ bị stress, dẫn đến hành vi ngược đãi động vật nhằm giải tỏa căng thẳng không?
- Như đã nêu trên, vấn đề suy giảm sức khỏe tâm thần cũng là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ. Khi trẻ chịu áp lực lớn mà không đối mặt được, trẻ cũng có xu hướng trút sự căng thẳng, chán ghét, thù hận lên đối tượng yếu thế hơn, không có khả năng chống trả, trong đó có động vật.
* Nhiều phụ huynh giải thích hành vi của trẻ theo cách "Nó là con nít, có biết gì đâu", có hợp lý không?
- Bạo hành động vật từ lâu đã được chứng minh là có chung một nguồn gốc với bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em, tuy nhiên vấn đề bạo hành động vật lại không được quan tâm và nhìn nhận đúng mức, thậm chí có nhiều trường hợp bị phớt lờ. Nhưng từ đầu thế kỷ 21, vấn đề bạo hành động vật đã được nhìn nhận là một rối loạn và là chỉ báo cho những hành vi bạo hành khác.
Nói về độ tuổi nào trẻ sẽ nhận ra hành vi của mình là không đúng, thì hành vi cư xử không xét về độ tuổi, mà tùy thuộc vào cách giáo dục trẻ nhận được. Trẻ sẽ khó nhận thấy hành vi sai trái dù ở độ tuổi nào nếu còn chứng kiến hành vi đó từ người lớn có sức ảnh hưởng với trẻ, hoặc được cổ xúy cho hành vi đó.
Ngược lại, những trẻ sớm được giáo dục về tình thương, lòng trắc ẩn, lòng biết ơn với thế giới xung quanh, bao gồm cả con người, động vật, thiên nhiên... thì dù còn rất nhỏ, trẻ cũng không có hành vi cố ý làm tổn thương như đã nêu.
* Khi trẻ hành hạ, giết hại động vật, các bậc cha mẹ nên ứng xử thế nào?
- Nếu làm ngơ, coi nhẹ hay cổ xúy trước hành vi bạo lực với động vật của trẻ, thì người lớn vô tình đã củng cố cho hành vi bạo lực tiếp diễn ở tương lai trên nhiều đối tượng khác, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
Nhiều trường hợp cho thấy những thanh thiếu niên và người lớn có rối loạn chống đối xã hội, phạm pháp đều có vấn đề rối loạn ứng xử khi còn nhỏ. Vì vậy, nếu trẻ có hành vi tàn bạo với động vật, đó là dấu hiệu trẻ đang cần sự trợ giúp.
Thay vì la mắng, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi này của con. Nếu là hành vi tập nhiễm (bắt chước), phụ huynh tìm hiểu môi trường trẻ tiếp xúc để đánh giá được những nguy cơ tiềm ẩn.
Nếu là vấn đề về sự căng thẳng, hung tính, buồn rầu, áp lực, thì con cần được hỗ trợ chuyên môn hơn bởi các nhà tâm lý hoặc các bác sĩ tâm thần và sự nâng đỡ và hướng dẫn hợp lý từ gia đình.
Khi bị nhiễm bệnh, bạn có thể cảm ơn bộ não của mình vì nó đang cố giúp bạn hồi phục.
Xem thêm: mth.44541258022303202-ig-hneb-tav-gnod-ah-hnah-ert/nv.ertiout