Công suất 50 tỉ mét khối
"Tất cả thỏa thuận đã đạt được", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21-3.
Đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) do Nga công bố vào tháng 9-2022 được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu năng lượng khỏi châu Âu của Nga.
Vào tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Power of Siberia 2, dự án mà Matxcơva và Bắc Kinh đã thảo luận nhiều năm, sẽ thay thế cho Nord Stream 2 (đường ống đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu).
Vào thời điểm đó, ông Novak cho biết Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký thỏa thuận cung cấp "50 tỉ mét khối khí đốt" mỗi năm thông qua đường ống Power of Siberia 2. Đường ống bắt đầu từ phía tây Nga, chảy qua Mông Cổ để vào Trung Quốc.
Nga đã đề xuất ý tưởng về đường ống này từ nhiều năm trước, nhưng kế hoạch chỉ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong thời gian gần đây do cuộc chiến Ukraine. Matxcơva kỳ vọng Trung Quốc có thể thay thế châu Âu, trở thành khách hàng khí đốt chính của mình.
Tuyến đường biển phía Bắc
Cũng trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin cho biết thêm rằng hợp tác kinh tế giữa Matxcơva với Bắc Kinh là "ưu tiên" đối với Nga. Hai nước sẵn sàng thành lập một cơ quan chung để phát triển tuyến đường biển phía Bắc (NSR).
"Chúng tôi thấy hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong việc phát triển tiềm năng quá cảnh của tuyến đường biển phía bắc rất hứa hẹn. Chúng tôi sẵn sàng thành lập một cơ quan chung để phát triển tuyến đường này", ông Putin nói.
Theo ông Putin, nhìn chung thì cơ sở hạ tầng giao thông và logistics đang được cải thiện.
"Hai nước chúng ta kết nối bởi đường biên giới dài trên đất liền, vì vậy việc hình thành các hành lang đường sắt và đường bộ theo hướng Trung Quốc - châu Âu và quay lại lãnh thổ Nga vẫn là ưu tiên cao nhất để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách ngày càng tăng.
Theo Hãng thông tấn TASS, tuyến đường biển phía Bắc là tuyến đường vận chuyển trên biển chính trong khu vực Bắc Cực của Nga.
Tuyến đường trải dài theo bờ biển phía bắc của Nga trên các vùng biển của Bắc Băng Dương (biển Barents, Kara, Laptev, Đông Siberia, Chukchi và Bering).
Ngoài ra, tuyến đường cũng kết nối các cảng châu Âu và Viễn Đông của Nga và các cửa sông có thể đi lại ở Siberia thành một tuyến giao thông thống nhất. Chiều dài của tuyến đường vào khoảng 5.600km từ eo biển Kara đến vịnh Providence.
Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga, ông Alexei Chekunkov, cho biết tuyến đường biển phía Bắc ngắn hơn 40% so với tuyến vận tải qua kênh đào Suez.
Lãnh đạo Nga và Trung Quốc khẳng định quan hệ hai nước có bản chất không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào.