Ngày 22-3, Ban pháp chế HĐND TP.HCM giám sát về công tác bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu ở quận Bình Thạnh.
Theo báo cáo của Công an quận Bình Thạnh, thời điểm hiện tại đơn vị đang tạm giữ 1.560 xe vi phạm các loại tại kho tạm giữ rộng 1.500m2 do UBND quận Bình Thạnh bố trí tạm ở đường Nguyễn Gia Trí, phường 25.
Kho tạm bợ
Trong số 1.560 xe vi phạm nói trên, có 1.081 xe mô tô các loại quá hạn tạm giữ và đã được ban hành quyết định tịch thu.
Theo báo cáo, việc bố trí kho bãi hiện nay chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định; việc tạm giữ còn tồn đọng kéo dài; nhân lực hạn chế, hiện chỉ có 2 cán bộ trông giữ kho, cán bộ chỉ huy phụ trách phải kiêm nhiệm việc quản lý hồ sơ và xác minh.
Thủ tục tịch thu theo Luật xử lý vi phạm hành chính còn nhiều thủ tục rườm rà (xác minh người vi phạm, chủ phương tiện, đăng báo, niêm yết truy tìm, tra cứu tang vật…).
Việc bán đấu giá tài sản còn nhiều thủ tục, qua nhiều cơ quan thẩm định dẫn đến mất nhiều thời gian.
Thiếu kinh phí bảo trì, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ do dừng thu phí lưu kho…
Là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực xử lý vi phạm, thiếu tá Phan Hồng Nghĩa - phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, trật tự Công an quận Bình Thạnh - cho biết tình trạng kho tạm giữ rất tạm bợ ở khu đất trống, được quây bởi vách tôn, không mái che.
Dù được trang bị camera, bình chữa cháy nhưng chưa có hệ thống báo cháy.
Xe bị tạm giữ nhiều hơn xe được lấy ra
"Trung bình mỗi ngày có khoảng 10-15 xe bị tạm giữ nhưng số lượng xe trả ra rất ít. Đầu vào lớn là do chỉ tiêu công tác, các lỗi vi phạm buộc tạm giữ xe rất nhiều.
Việc tạm giữ là để ngăn chặn hành vi vi phạm tiếp tục diễn ra, đảm bảo thi hành quyết định. Tuy nhiên nên chăng giảm việc tạm giữ phương tiện, có thể vi phạm lần đầu ta giữ bằng lái, sau đó tiếp tục vi phạm mới tạm giữ phương tiện", ông Nghĩa đặt vấn đề.
Cũng theo ông Nghĩa, việc phải quản lý xe bị tạm giữ trong thời gian dài thường do mức xử phạt tiền quá cao, nhiều trường hợp giá trị xe thấp hơn số tiền phạt nên bỏ luôn xe.
Đối với việc đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm theo nghị định 138 còn phức tạp, rườm rà. "Thời gian tạm giữ phương tiện chỉ có 7 ngày mà thủ tục bảo lãnh phương tiện là 2 ngày, quá trình làm đơn, đợi chờ xem xét cũng sắp hết 7 ngày nên hầu như không có người dân thực hiện", ông Nghĩa nói.
"Năm 2019, chúng tôi bán đấu giá xe vi phạm bị tịch thu, thu về cho ngân sách 1,9 tỉ đồng nhưng cuối cùng quyết toán không được bao nhiêu, thậm chí một số chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển không thanh toán được thì đơn vị phải tự chịu, tự xoay xở", ông Nghĩa trình bày.
Dịp này Công an quận Bình Thạnh kiến nghị được trang bị kho tạm giữ tang vật, xe vi phạm đảm bảo đủ điều kiện theo quy định (đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, có hệ thống chiếu sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy).
Đồng thời kiến nghị trung ương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp, đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn đối với người dân cũng như lực lượng chức năng.
Trực tiếp giám sát tại kho xe vi phạm, ông Nguyễn Văn Đạt - phó trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM - đề nghị UBND quận Bình Thạnh quan tâm, hỗ trợ Công an quận trong việc bố trí kho bãi đảm bảo điều kiện bảo quản, quản lý tài sản của người dân theo quy định.
Trước mắt đề nghị lắp đặt hệ thống mái che, hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Sau 2 lần bán đấu giá lô 954 xe vi phạm không thành (2 đơn vị trúng thầu bỏ cọc), Công an huyện Hóc Môn tiếp tục tham mưu thủ tục bán đấu giá lần 3.
Xem thêm: mth.375933122303202-ob-mat-ohk-gnort-gnan-iohp-man-mahp-iv-ex-nagn-gnah-hnaht-hnib-nauq/nv.ertiout