Câu hỏi được gợi mở từ những ý kiến của các diễn giả quốc tế trong tọa đàm Hiến kế hút khách quốc tế do báo Đầu Tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 22-3 tại Hà Nội và trực tuyến với một số diễn giả.
Chính sách visa và chất lượng dịch vụ là rào cản lớn nhất
Tại tọa đàm, câu chuyện chính sách visa là thứ được các diễn giả quốc tế "than thở" nhiều nhất. Kế đến là chất lượng dịch vụ.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro - phó chủ nhiệm bộ môn quản trị du lịch và khách sạn, RMIT Việt Nam - cho biết Việt Nam đã cải thiện chính sách visa rất nhiều, đặc biệt với thị trường châu Âu. Nhưng cần miễn thị thực cho càng nhiều nước càng tốt và cần kéo dài thời gian tạm trú bởi khách càng ở lâu càng chi tiêu nhiều.
Chung quan điểm, ông Martin Koerner - trưởng tiểu ban du lịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), chủ tịch tiểu ban du lịch và khách sạn - đặt câu hỏi tại sao khách quốc tế ít đến Việt Nam và theo ông, lý do lớn nhất nằm ở chỗ so với Thái Lan, Singapore, chính sách visa của Việt Nam quá hạn chế, quá phức tạp cho khách.
Gần đây có chính sách mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực và nâng số ngày tạm trú từ 15 đến 30 ngày… là những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên hành động triển khai chính sách này vẫn còn hơi chậm và ông cho rằng Việt Nam nên học Thái Lan, bởi họ triển khai chính sách vào cuộc sống rất nhanh.
Một điểm nghẽn khác khiến Việt Nam khó hút khách quốc tế là chất lượng dịch vụ, đặc biệt tại cửa khẩu xuất nhập cảnh.
"Tôi tới Thái Lan, ở sân bay, khu vực xuất nhập cảnh rất thân thiện, các nhân viên nhập cảnh tươi cười, nó cho thấy đất nước chủ nhà vui mừng đón tôi. Trong khi khách du lịch đến Việt Nam ngay bước đầu tiên đã bị nhân viên xuất nhập cảnh lạnh nhạt, bộ mặt hình sự", ông Martin nói.
Về chuyện chất lượng dịch vụ, tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cũng nhận định: "Nếu có vấn đề khiến Việt Nam không phát triển du lịch được thì đó là chất lượng dịch vụ". Chính chất lượng dịch vụ khiến hầu hết khách quốc tế đến Việt Nam "một đi không trở lại".
Theo ông, Việt Nam phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, bởi phần lớn nhân lực du lịch ở Việt Nam hiện nay không có bằng cấp.
Hút khách nhà giàu hay Tây ba lô?
Việt Nam nên thu hút loại khách quốc tế nào là câu hỏi được ông Nuno F. Ribeiro đặt ra tại tọa đàm nhận được sự chú ý.
Theo ông, hiện nay Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách thu hút càng nhiều khách quốc tế càng tốt. Dĩ nhiên điều này không sai ở giai đoạn đầu phát triển du lịch. Nhưng khi Việt Nam đã đạt con số 20 triệu khách quốc tế trong một năm thì có nên nhắm vào mục tiêu chất lượng khách hơn theo đuổi số lượng.
"Phải suy nghĩ, các bạn có muốn khách Tây ba lô nữa không. Hãy suy nghĩ cẩn thận để xác định chính xác đối tượng khách tốt nhất và tập trung vào đó thì khi ấy khách sẽ ở lại lâu hơn", ông Nuno F. Ribeiro nói.
Tuy nhiên lựa chọn đối tượng khách nào không dễ trả lời. Khách Tây ba lô tuy chi tiêu ít nhưng đã có đóng góp tích cực để quảng bá du lịch Việt Nam thời gian qua.
Nhưng hút khách nhà giàu cũng không dễ trong bối cảnh chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện nhiều. Ông Nuno F. Ribeiro nói hiện "khách du lịch rất giàu" đến Việt Nam qua những tổ chức môi giới chứ không sử dụng các dịch vụ của Việt Nam.
Vì vậy, làm thế nào để nhân lên hiệu quả kinh tế là một câu hỏi khó mà chắc chắn các nhà hoạch định chính sách cần phải có quyết định, chọn ai, ở thời điểm nào...
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực cho khách quốc tế đến từ những vùng trọng điểm và bãi bỏ quy định mua bảo hiểm chi trả điều trị COVID-19.