* Nga cảnh báo nguy cơ xung đột hạt nhân ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ
Ngày 22-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nguy cơ xảy ra đụng độ hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo Hãng tin Reuters, ông Ryabkov cảnh báo Nga đang trong một cuộc xung đột công khai "trên thực tế" với Washington về cuộc chiến ở Ukraine.
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn căng thẳng từ lâu, nay còn trở nên tồi tệ hơn vì xung đột tại Ukraine. Vào tháng 2-2023, Nga đã rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược New START với Washington.
Phát biểu tại một sự kiện mang tên "Một thế giới không có START: Điều gì tiếp theo", ông Ryabkov nói rằng "không có câu hỏi nào" về việc Nga khôi phục hiệp ước vào lúc này, đồng thời chỉ trích "đường lối thù địch" của Washington đối với Matxcơva.
* Đại bồi thẩm đoàn phụ trách vụ ông Trump vẫn chưa họp
Thứ tư (ngày 22-3) lại là một ngày nữa trôi qua mà không có bản cáo trạng nào chống lại cựu tổng thống Mỹ Donald Trump được công bố. Trước đó, ông Trump dự đoán bản thân sẽ bị bắt vào ngày 21-3 trong một cuộc điều tra ở Manhattan về cáo buộc thanh toán tiền bịt miệng cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels.
Một nguồn thạo tin của Reuters cho biết không có cuộc họp đại bồi thẩm đoàn nào diễn ra ở Manhattan như dự kiến.
Ngoài ra, nguồn tin này không rõ tại sao lại như vậy và liệu đại bồi thẩm đoàn sẽ mất bao lâu để hoàn tất công việc của mình.
Đại bồi thẩm đoàn được cho là họp ba lần một tuần, có thể triệu tập lại sớm nhất vào thứ năm (ngày 23-3).
* Tổng thống Czech nói sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine có thể suy yếu
Theo tờ Sueddeutsche Zeitung (Đức), Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel cho biết sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ giảm dần theo thời gian.
Theo đó, vị cựu tướng NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cảnh báo kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào năm tới sẽ ảnh hưởng đến sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine, và Kiev phải công nhận rằng năm nay là năm quyết định.
"Nếu sự hỗ trợ từ Mỹ giảm đi, thì sự hỗ trợ từ một số quốc gia châu Âu cũng sẽ giảm đi. Ukraine phải tính đến điều đó", ông Pavel nói.
* Quốc hội Thụy Điển thông qua dự luật gia nhập NATO
Ngày 22-3, Quốc hội Thụy Điển đã chính thức thông qua dự luật cho phép nước này gia nhập NATO, sau khi đơn đăng ký đã được tất cả 30 thành viên của liên minh phê chuẩn.
Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan đã gửi đơn gia nhập NATO vào năm ngoái, để đáp trả việc Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Tuy nhiên, quá trình này đã bị cản trở bởi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cùng với Hungary vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên cho Thụy Điển và Phần Lan.
* Canada mở rộng chương trình hỗ trợ người Ukraine ra đi
Ngày 22-3, Bộ Di trú Canada cho biết quốc gia này đang mở rộng một chương trình hỗ trợ nhằm giúp người Ukraine và gia đình trực hệ của họ trở thành cư dân tạm thời, cũng như dễ dàng xin giấy phép làm việc hoặc học tập.
Theo Bộ Di trú Canada, công dân Ukraine và các thành viên gia đình của họ thuộc bất kỳ quốc tịch nào sẽ có thời hạn đến ngày 15-7 để xin thị thực theo chương trình mới.
* Hàng chục ngàn người California mất điện vì bão
Hàng chục ngàn người dân California đã rơi vào tình trạng mất điện và được cảnh báo sơ tán trong ngày 22-3, khi cơn bão mới nhất kéo theo mưa, tuyết và gió thổi mạnh có nguy cơ gây thêm lũ lụt.
Cơn bão mới có thể đổ thêm hơn 3cm mưa suốt cả ngày ở các khu vực Nam và Trung California. Hai nơi này vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi một chuỗi bão không ngừng bắt đầu từ cuối tháng 12-2022.
* Đức xem xét mối quan hệ của Deutsche Telekom, Huawei
Theo tờ Handelsblatt, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser lo ngại về mối quan hệ chặt chẽ giữa hãng viễn thông Deutsche Telekom và công ty Trung Quốc Huawei HWT.UL và muốn kiểm tra họ.
"Điều đó có vẻ không tốt", bà Faeser được tờ báo trích dẫn.
Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết Đức đang xem xét cấm một số thành phần của các công ty Trung Quốc Huawei và ZTE trong các mạng viễn thông của mình.
Ngắm hoa
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói việc Trung Quốc ủng hộ Nga đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Dù vậy, Mỹ chưa có bằng chứng Bắc Kinh cung cấp vũ khí sát thương cho Matxcơva.