Ngày 23-3, tại Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, Ngày Khí tượng thế giới (23-3) và Ngày Nước thế giới (22-3).
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, các đợt nắng nóng kéo dài với cường độ cao, lượng mưa lớn và hạn hán cũng nghiêm trọng hơn.
Theo báo cáo "Biến đổi khí hậu 2022 - tác động, thích ứng và tình trạng dễ bị tổn thương" do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ.
Nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng... đang đối mặt trước những thách thức của thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan và ngày càng khó dự đoán.
Để chuyển hóa những thách thức và lan tỏa hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết khác vào lúc 20h30 - 21h30 ngày 25-3.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm cho biết: "Là tỉnh miền núi phía Bắc và được dự báo sẽ bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tỉnh Hòa Bình luôn thấy rõ được tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu. Các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình luôn sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu.
Năm 2023, để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện và thành phố triển khai thực hiện và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng rộng rãi trên toàn địa bàn tỉnh".
TTO - Sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 26-3), cả nước đã tiết kiệm 309.000 kWh điện.
Xem thêm: mth.68855030132303202-3202-man-tad-iart-oig-gnu-gnouh-ed-oh-gnod-oig-tom-ned-tat/nv.ertiout