Với sự nhiệt tâm, kiên trì và khả năng thuyết phục, cô giáo Hiền đã huy động được nhiều nguồn lực để mang con chữ tới cho học trò đồng bào Cor.
Xin tiền để xây trường, mở lớp, có những bữa ăn ngon cho trò... Đó là niềm hạnh phúc lớn của cô giáo Hiền và tập thể giáo viên Trường mầm non xã Trà Thanh.
Cô giáo xin xây mái trường, mở cái chữ
Điểm chính Trường mầm non Trà Thanh nằm ở thôn Vuông (xã Trà Thanh) vang lên tiếng học trò đánh vần. Những đứa trẻ đồng bào Cor học trong một khuôn viên nhiều cây xanh, tiểu cảnh, khu vui chơi, sinh hoạt chung, khu chức năng... ngăn nắp, sạch đẹp.
Ở miền núi Quảng Ngãi, rất ít trường mầm non có được không gian như vậy, nhất là ngôi trường này được xây dựng không phải từ tiền ngân sách rót về mà dựng lên từ sự bao dung và yêu thương của cô Hiền và sự trợ sức của các nhà hảo tâm.
Qua chia sẻ của ông Hồ Văn Thịnh, chủ tịch UBND xã Trà Thanh, mới thấu hiểu vì sao bà con người Cor ở Trà Thanh yêu quý cô Hiền nhiều đến vậy.
Trước đây, điểm chính Trường mầm non Trà Thanh ở cách vị trí hiện tại khoảng 2km, chỉ là những lớp học nhỏ thó, tạm bợ được dựng lên từ tre, nứa. Mùa hè, cái nắng xuyên qua mái trường, khoảng hở từ vách nứa, lớp học lúc nào cũng nóng hầm hập. Mùa mưa bão, phòng học nào cũng ướt nhẹp, chỉ cần một trận gió nhỏ cũng làm bọn trẻ co ro trong buốt lạnh.
"Cũng nhiều lần chính quyền địa phương và nhà trường xin kinh phí xây dựng trường mới, nhưng nguồn lực từ ngân sách có hạn. Ở chốn núi rừng này đâu chỉ có Trà Thanh, nhiều điểm trường ở các xã khác cũng cần cải tạo, nâng cấp" - ông Thịnh nói.
Cô Hiền nhớ lại thời gian đầu mình được phân công làm hiệu trưởng Trường mầm non Trà Thanh, nhìn học trò "nắng chảy mồ hôi, mưa dầm buốt lạnh" cô không cầm lòng được.
20 năm gắn bó với giáo dục miền núi, cô hiểu vận động kinh phí từ phụ huynh là không thể bởi bà con có cuộc sống khó khăn, đến mùa giáp hạt Nhà nước còn phải phát gạo cứu đói thì lấy đâu ra tiền.
Chờ ngân sách thì còn một "sớ" dài với những điểm trường tạm bợ như trường mình. Cô nảy sinh ý định "đi xin" cho trò được cái gì mừng cái đó. Và hành trình đi gõ cửa nhà hảo tâm bắt đầu từ đó.
Cô Hiền nói vui rằng đi học, đi dạy rồi làm quản lý đều liên quan đến giáo dục chứ chẳng ai dạy "đi xin" nên cô rất bỡ ngỡ, không biết bắt đầu thế nào.
Cô cũng chỉ gửi hình ảnh trường, học sinh co ro trong giá lạnh và kể câu chuyện của ngôi trường cùng mong muốn các em có nơi học tập tốt hơn. "Chắc mình nói thật thà nên nhà hảo tâm quý, người nhận lời giúp hay không giúp cũng dành những lời yêu thương cho bọn trẻ khiến tôi rất vui" - cô Hiền tâm sự.
Với tâm tình của cô hiệu trưởng, Trường mầm non Trà Thanh dần trở thành "điểm đến" của nhiều nhóm thiện nguyện. Năm 2019, nhóm thiện nguyện Tam Kỳ Project (Quảng Nam) đã đến thăm và tài trợ hơn 450 triệu đồng dựng ngôi trường mới và đó là điểm chính của hôm nay.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi một doanh nhân ở TP.HCM ủng hộ hơn 840 triệu đồng để nhà trường xây dựng tiếp điểm trường lẻ thôn Gỗ và đầu tư đầy đủ trang thiết bị, phục vụ việc dạy và học.
Yêu thương tỏa đi, những tấm lòng tụ về.
Không chỉ xin cho trường mình, cô giáo Hiền còn xin được nguồn kinh phí 450 triệu đồng từ một nhà hảo tâm để xây mới điểm trường lẻ thôn Trà Kem, Trường mầm non Trà Xinh.
"Bữa ăn sướng"
Không chỉ xin cho dựng trường mở lớp, cô Hiền còn đi xin... bữa ăn cho học trò. Hôm chúng tôi đến, đúng lúc trường đang chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt cho trẻ với món mì quảng có đầy đủ tinh bột, chất xơ, đạm... Bữa ăn này có tên gọi là "bữa ăn sướng", được duy trì từ năm 2019 đến nay.
Mỗi tuần, cô giáo Hiền và các cô giáo trong trường thay phiên nhau nấu những món ngon nhất. Khi thì mì, bún, cháo, lúc thì hủ tiếu... đều là những món ăn mà các em hiếm khi được ăn ở nhà. Nhìn bọn trẻ bước vào bàn ăn với nụ cười và cách ăn, có thể hiểu "bữa ăn sướng" ngon đến mức nào.
Kinh phí nấu "bữa ăn sướng" khoảng 4 triệu đồng cho bốn điểm của trường trong một tháng. Đó là số tiền mà anh Phạm Văn Dũng, một nhà hảo tâm quê Quảng Ngãi sống tại TP.HCM, vận động và tài trợ thông qua "cầu nối" là cô Hiền.
Anh Dũng tâm sự rằng khi nghe cô Hiền kể câu chuyện của học trò miền núi, anh cảm nhận được tấm lòng và quyết định giúp sức cho thầy cô hoàn thành ước nguyện có cho học trò "bữa ăn sướng". Dù số tiền không quá lớn nhưng cũng đủ làm ấm lòng các cô giáo, các cô nuôi đứng bếp.
"Tôi thật sự hạnh phúc khi được sẻ chia cho học trò Trường mầm non Trà Thanh. Tôi đã làm được một việc ý nghĩa trong cuộc đời mình. Cảm ơn cô Hiền đã kể câu chuyện chỉ có ở núi thẳm để những người ở thành phố như tôi có cơ hội đồng hành cùng các cháu" - anh Dũng tâm sự.
Còn anh Phan Duy Nhật (37 tuổi), chủ nhiệm câu lạc bộ Thiện nguyện Quảng Ngãi, kể về cô Hiền với sự trân quý. Chàng tràng trai có tấm lòng bao dung này vẫn nhớ từ những năm cô Hiền còn làm hiệu trưởng Trường mầm non Trà Xinh đã "đi xin" nước sạch cho trường và rất nhiều điểm trường khác ở huyện Trà Bồng.
Nhóm anh Nhật đã hỗ trợ khoan giếng. Mãi đến năm 2019, cô Hiền về Trà Thanh, hệ thống nước sạch đã đáp ứng thì cô Hiền có tâm sự với anh Nhật về phòng vệ sinh của trường không đáp ứng nhu cầu của trò. Thế là nhóm anh Nhật lại vận động và tiến về phía núi dựng khu nhà vệ sinh cho bọn trẻ.
"Cô Hiền chia sẻ chỉ khi nào học trò sạch sẽ thì cái chữ mới nhanh tiếp thu được. Nhóm rất trân trọng suy nghĩ này và quyết định giúp đỡ cho cô giáo có tấm lòng bao dung này. Những giáo viên như cô Hiền thật sự quá tuyệt vời. Có lần cô Hiền cảm ơn tôi, nhưng tôi nghĩ chúng tôi biết ơn cô Hiền rất nhiều, tôi cảm ơn cô đã vì trẻ em người Cor" - anh Nhật trải lòng.
Ghi lại những ân tình
Nguồn quỹ từng được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đến nay lên tới khoảng 2 tỉ đồng, bao gồm cả tiền mặt và hiện vật. Cô Hiền tổng kết lại: năm học 2018 - 2019 xin 167 triệu đồng, năm học 2019 - 2020 xin được hơn 1,4 tỉ đồng, năm 2020 - 2021 xin gần 300 triệu đồng, năm 2021 - 2022 xin được gần 60 triệu đồng...
Tất cả đều dành cho giáo dục và bà con miền núi. Những ân tình ấy cô Hiền ghi chép kỹ lưỡng, nhập vào máy tính rõ ràng để lúc cần thì mở ra kiểm tra lại. "Tôi rành mạch để nhà hảo tâm biết số tiền mình sử dụng đúng mục đích và cũng để tôi luôn nhớ đến những tấm lòng dành cho nơi này" - cô Hiền nói.
Tự hào có đồng nghiệp như cô Hiền
Cô Hiền là giáo viên có nhiều năm cống hiến trong công tác quản lý giáo dục tại các trường mầm non ở huyện Trà Bồng.
Cô đến đâu người dân cũng quý mến. Người giáo viên ấy đã cống hiến cả đời mình cho nơi này và giúp đỡ rất nhiều cho giáo dục miền núi trong việc vận động kinh phí xã hội hóa để xây dựng trường, lớp, mua trang thiết bị dạy và học cho các điểm trường, cảm ơn cô Hiền. Tôi rất tự hào khi có một đồng nghiệp như cô ấy.
Bà Đỗ Thị Cẩm Nhung (phó trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Trà Bồng)
‘Tôi nghĩ mình đang làm tốt việc của một người gieo mầm cây: chăm dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ. Tôi hạnh phúc khi mình đã tạo nên những điều tốt đẹp cho đời và không sống một đời lãng phí’.
Xem thêm: mth.99945839032303202-gnan-iat-nix-id-oaig-oc/nv.ertiout