Sáng 23-3, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) có buổi chia sẻ về hiệu quả áp dụng nghị quyết 30 và nghị định 07 của Chính phủ cũng như những mặt chưa được, điều còn băn khoăn trong công tác mua sắm, đấu thầu tại bệnh viện.
Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ: "Lúc bệnh viện thiếu thiết bị y tế, áp lực đè nặng người quản lý bệnh viện kinh khủng. Không chỉ chuyên môn mà rất nhiều vấn đề khác bị tác động. Sau nghị quyết 30 và nghị định 07, chúng tôi phải triển khai đồng loạt các biện pháp để không ảnh hưởng quyền lợi người bệnh và chất lượng điều trị".
Sửa xong 1 máy CT-Scan và 2 máy gia tốc xạ trị
Bác sĩ Thức cho biết sau thời gian ngắn áp dụng nghị quyết 30 và nghị định 07 của Chính phủ, bệnh viện đã sửa được một máy CT-Scan tại khoa cấp cứu và đã đưa vào sử dụng vào ngày 22-3. Như vậy đến nay đã có 2/6 máy CT-Scan tại bệnh viện được hoạt động.
Hiện mỗi ngày khoa cấp cứu bệnh viện tiếp nhận khoảng 350 - 400 bệnh nhân chuyển đến cấp cứu, trong đó rất nhiều bệnh nhân cần chụp CT-Scan. Việc máy CT-Scan đưa vào hoạt động giúp gia tăng số lượng và rút ngắn thời gian bệnh nhân được chỉ định chụp CT-Scan.
"Thời điểm máy CT-Scan cấp cứu hư, tôi như ngồi trên đống lửa, rất lo phải chuyển bệnh nhân cấp cứu và nội trú, rồi ảnh hưởng đến sinh mệnh người bệnh. Máy CT-Scan đặt tại khoa cấp cứu sửa xong, tôi rất mừng", bác sĩ Thức chia sẻ.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã sửa và đưa vào vận hành 1 máy gia tốc xạ trị cho bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Ung bướu của bệnh viện, nâng tổng số máy gia tốc đang hoạt động là 3.
"Đây là điều rất mừng, hạnh phúc rất lớn của bệnh nhân ung thư khi trong thời gian vừa qua họ phải chờ đợi, trì hoãn các liệu trình điều trị", bác sĩ Thức nói.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh - giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay mỗi ngày có khoảng 300 bệnh nhân cần xạ trị tại trung tâm. Hiện trung tâm đang có 50-70 bệnh nhân chờ xạ trị. Với 3/5 máy gia tốc xạ trị đã đưa vào hoạt động, quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư được thông suốt, không phải đợi quá lâu.
Ông Tôn Văn Tài - trưởng đơn vị đấu thầu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết thêm bệnh viện đang triển khai các gói thầu để sửa chữa các máy CT-Scan, máy gia tốc xạ trị còn lại. Dự kiến tháng 4 các máy CT-Scan còn lại sẽ đưa vào hoạt động.
'Tháo gỡ mang tính cách mạng'
Cũng theo bác sĩ Thức, nghị quyết 30 cho phép thanh toán bảo hiểm y tế khi sử dụng máy đặt, máy mượn và thiết bị y tế được tặng nhưng chưa kịp nhập vào tài sản quốc gia, đã giúp nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế được xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
"Đây là tháo gỡ mà các lãnh đạo bệnh viện cho rằng mang tính cách mạng, giải phóng rất nhiều khó khăn trong công tác chẩn đoán bệnh, và đảm bảo quyền lợi cho người dân", bác sĩ Thức nói.
Với nghị định 07 cho gia hạn giấy phép lưu hành, một loạt vật tư y tế tiêu hao không thông quan tại bệnh viện đã được tháo gỡ. Việc đặt stent cho bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành diễn ra bình thường. Trước khi nghị định 07 được ban hành, đã có khoảng 2 tuần bệnh viện không thể đặt stent cho bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành, chỉ ưu tiên cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cứu.
Băn khoăn niêm yết giá
Người đứng đầu Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng nghị quyết 30 và nghị định 07 có rất nhiều mặt tích cực, nhưng vẫn còn điều khiến bệnh viện băn khoăn là việc niêm yết giá, công khai giá chưa được đầy đủ và chưa mang tính bắt buộc.
Hiện các bệnh viện khi mua sắm trang thiết bị còn e ngại một bảng báo giá có sát với giá trị thực của sản phẩm hay không, trong khi các nhà quản lý bệnh viện không đủ cơ sở để kiểm định.
Về lâu dài, bác sĩ Thức đề xuất nên có luật đấu thầu riêng cho ngành y tế và tách hàng hóa y tế riêng biệt với hàng hóa thông thường.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế đều cho hay chi phí bệnh nhân đưa đi chụp MRI, CT-Scan được thanh toán tại Bệnh viện Chợ Rẫy và chi phí này (cả BHYT và dịch vụ) là giá của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xem thêm: mth.8491823132303202-cot-aig-yam-2-nacs-tc-yam-1-gnox-aus-yar-ohc-neiv-hneb/nv.ertiout