Thông tin này được TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp do Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 23-3.
Theo TS. Trần Quý, công nghệ AI sẽ giúp nông dân quản lý tốt hơn các hoạt động sản xuất. Cụ thể, AI có thể dự đoán kết quả mùa vụ dựa trên thông tin về thời tiết, loại cây trồng, độ ẩm đất, lượng nước được sử dụng và các yếu tố khác. Điều này giúp nông dân lên kế hoạch sản xuất tốt hơn và quản lý tài nguyên một cách thông minh hơn và giảm chi phí một cách đáng kể.
Giá gạo Việt Nam nhiều thời điểm cao nhất thế giới: Có phải nông dân lãi 100%?ĐỌC NGAY
Để áp dụng thành công các công nghệ mới, như AI trong nông nghiệp, TS. Quý cho rằng nông dân Việt Nam cần được đào tạo để sử dụng và hiểu rõ các công nghệ này.
Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (gọi tắt Liên hiệp VDECA) Mai Quang Vinh cho biết năm 2017-2021 Liên hiệp VDECA hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vận hành Cổng phụ, Trạm thời tiết thông minh iMetos Chương Mỹ, cụm camera giám sát đồng ruộng, nhật ký điện tử, máy in tem QR Code có phần mềm quản lý tem...
Kết quả đã tăng được giá bán rau củ quả lên 1,5 lần, giá lúa gạo hữu cơ tăng 2 lần, giá mua thóc tươi 9.000 - 11.000 đ/kg tại đầu bờ, quy mô sản xuất tăng 2 - 3 lần, sản phẩm được thị trường tín nhiệm.
Ông Vinh kiến nghị đưa eGap và eGap.vn chính thức tham gia vào Chương trình thí điểm ứng dụng khuyến nông số quốc gia, quản lý mã vùng nguyên liệu, tạo căn cứ pháp lý, có chế tài ứng dụng cho các loại nông sản được nhà nước đầu tư hỗ trợ, các loại nông sản đủ điều kiện quản lý chất lượng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, 'điểm nghẽn' hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là khi lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác thì vướng các quy định của Luật bảo vệ môi trường.