2 ngành học được xếp hạng top 100 thế giới
Năm nay Việt Nam tiếp tục có 5 đại diện vào bảng xếp hạng, giữ nguyên so với năm 2022, Trường đại học Duy Tân tiếp tục là trường đại học tư thục duy nhất của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng này.
Top 5 đại học của Việt Nam gồm:
- Trường đại học Duy Tân, xếp vị trí 801-1.000.
- Đại học Quốc gia TP.HCM, xếp vị trí 801-1.000.
- Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp vị trí 801-1.000.
- Trường đại học Tôn Đức Thắng, xếp vị trí 1.001-1.200.
- Trường đại học Bách khoa Hà Nội, xếp vị trí 1.201-1.400.
Theo đó, năm nay, Việt Nam có 2 ngành học được xếp trong top 100 của thế giới, gồm ngành kỹ thuật dầu khí của Đại học Quốc gia TP.HCM lọt top 51-100 (năm trước cũng đã đạt vị trí này) và ngành quản trị dịch vụ du lịch và giải trí của Trường đại học Duy Tân lần đầu lọt top 51-100 thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam có 2 ngành khác trong top 300 gồm: kỹ thuật xây dựng dân dụng và kết cấu công trình của Trường đại học Duy Tân lọt top 201-230; toán học của Trường đại học Tôn Đức Thắng lọt top 251-300.
Đại học Bách khoa Hà Nội có 4 nhóm ngành được xếp hạng
Theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds, Đại học Bách khoa Hà Nội có 4 nhóm ngành được xếp hạng bao gồm: kỹ thuật điện - điện tử; kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo; khoa học máy tính và hệ thống thông tin; và toán học.
Trong đó nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội giữ vững vị thế số 1 Việt Nam và được xếp vào nhóm 401-450 tốt nhất thế giới.
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế tại các lĩnh vực mũi nhọn, với 6 lĩnh vực tiếp tục được xếp hạng so với năm 2022. Trong đó, có 2 lĩnh vực duy trì được vị trí xếp hạng là khoa học máy tính và hệ thống thông tin top 501-550 và toán học top 351-400.
Tiêu chí xếp hạng Quacquarelli Symonds 2023
Bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds thế giới theo lĩnh vực năm 2023 được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí với các trọng số được tùy biến cho phù hợp với các lĩnh vực, bao gồm: uy tín học thuật, uy tín tuyển dụng, tỉ lệ trích dẫn trung bình trên một bài báo, chỉ số H-index đo lường năng suất và mức độ tác động của các công bố khoa học của đội ngũ giảng viên, mạng lưới nghiên cứu quốc tế.
Các tiêu chí xếp hạng của Quacquarelli Symonds nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo của một ngành/lĩnh vực đào tạo đối với xã hội (thông qua đánh giá của học giả và nhà tuyển dụng); các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua mức độ trích dẫn và chỉ số H-index) và khả năng quốc tế hóa trong nghiên cứu khoa học (thông qua mạng lưới nghiên cứu quốc tế).
Ngày càng có nhiều trường ở Mỹ tẩy chay bảng xếp hạng giáo dục đại học và cao đẳng cấp quốc gia và toàn cầu. Bởi các phương pháp đo thiếu sót tạo ra hồ sơ méo mó và xếp hạng không chính xác giữa các trường.