Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 23/3 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm 100.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,55 – 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 30,1 USD lên 1.970,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng lên gần 1.980 USD/ounce và giằng co nhẹ cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,33 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.615 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.330 – 23.670 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 28.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm khá mạnh về 26.700 USD, trước khi bật lên trên 27.700 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,64 USD (-0,90%), xuống 70,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,54 USD (-0,70%), xuống 76,15 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục tăng
Sau phiên sáng ảm đạm của dòng tiền, thị trường bước vào phiên chiều với sự tích cực hơn khi bảng điện tử có thêm nhiều sắc xanh, dù đa phần vẫn chỉ tăng nhẹ, trong khi đó, một số cổ phiếu lớn như VCB, PLX, VNM nới đà đi lên đã giúp VN-Index dần trở lại trên tham chiếu và giằng co nhẹ trước có nhịp tăng gần 5 điểm trong những phút cuối.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 16,56 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 330,78 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 23/3: VN-Index tăng 4,56 điểm (+0,44%), lên 1.045,1 điểm; HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,31%), xuống 203,32 điểm; UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,34%), lên 76,17 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Tư (22/3) khi Fed tiếp tục nâng lãi suất đúng như dự báo và thừa nhận tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng có thể làm trì trệ nền kinh tế.
Việc Fed tuyên bố tăng thêm 0,25% trong cuộc họp lần họp này là không nằm ngoài dự kiến.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed cho biết “sẽ theo sát những thông tin tiếp theo và đánh giá hàm ý đối với chính sách tiền tệ”. Ngoài ra, Fed rút khỏi tuyên bố lần này cụm từ “tiếp tục tăng lãi suất” đã sử dụng trong tuyên bố của các lần họp trước.
Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Dow Jones giảm 530,19 điểm (-1,63%), xuống 32.030,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 65,90 điểm (-1,65%), xuống 3.936,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 190,15 điểm (-1,60%), xuống 11.669,96 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản cùng cảnh các thị trường châu Á thu hẹp đà giảm, khi các nhà đầu tư đánh giá gợi ý của Fed về việc xoay trục thắt chặt chính sách.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,17% xuống 27.419,61 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,29% xuống 1.957,32 điểm.
Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore cho biết: “Các nhà đầu tư nên thận trọng đối với các tài sản rủi ro, kỳ vọng đồng USD yếu hơn khi Fed tăng lãi suất lên đến đỉnh điểm và tiếp tục ưa chuộng trái phiếu chất lượng cao như một công cụ trú ẩn an toàn trước rủi ro suy thoái”.
Các nhà đầu tư cũng tập trung vào Ngân hàng Trung ương Anh, vốn được cho là sẽ tăng lãi suất trở lại sau khi lạm phát bất ngờ tăng vọt.
Phiên này, các cổ phiếu tài chính như Financials Chiba Bank Ltd và Mitsubishi UFJ Financial Group Inc nằm trong số những gánh nặng lớn nhất đến Nikkei 225, lần lượt giảm 1,75% và 1,36%.
Trái lại, cổ phiếu Recruit Holdings Co Ltd và nhà sản xuất xe Suzuki Motor Corp đóng cửa lần lượt cao hơn 4,78% và 2,12%.
Hiệu suất lạc quan của Suzuki xuất hiện sau khi Citi Group tăng giá cổ phiếu mục tiêu lên 6.400 yên/cổ phiếu từ 5.500 yên và giữ nguyên xếp hạng “mua”.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi Fed dịu giọng hơn về các đợt tăng lãi suất trong tương lai đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,64% lên 3.286,65 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,99% lên 4.039,09 điểm.
Thông tin đáng chú ý nhất là việc China Evergrande Group đã công bố kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ 22,7 tỷ USD ở nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh tay mua cổ phiếu Trung Quốc, với lượng mua ròng ở nước ngoài thông qua chương trình kết nối vượt 4,8 tỷ nhân dân tệ (704 triệu USD), trong phiên mua ròng thứ 9 liên tiếp.
Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt cũng nhờ vào kỳ vọng Fed sẽ sớm chấm dứt chương trình thắt chặt.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,34% lên 20.049,64 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,96% lên 6.839,46 điểm.
Phiên này, những gã khổng lồ công nghệ tăng tới 4,7%, mức tăng lớn nhất trong ba tuần. Tencent tăng 8,2% sau khi công bố kết quả kinh doanh, trong khi Meituan và Alibaba tăng lần lượt 8,3% và 4%.
Tâm lý rủi ro của nhà đầu tư đối với cổ phiếu Hồng Kông có thể được điều chỉnh sau khi Fed “ôn hòa” tăng lãi suất và các cơ quan quản lý của Thụy Sĩ và Mỹ đã nhanh chóng ứng phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng bằng chính sách hỗ trợ, Huatai Securities nhận định.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, sau khi Fed báo hiệu việc tạm dừng các đợt tăng lãi suất.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 7,52 điểm, tương đương 0,31% lên 2.424,48 điểm.
Fed hôm thứ Tư đã tăng lãi suất thêm 0,25%, nhưng cho biết họ sắp tạm dừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo sau tình trạng hỗn loạn ngân hàng toàn cầu.
“Thị trường không còn dư địa để Fed tăng lãi suất,” nhà phân tích Kim Seok-hwan của Mirae Asset Securities cho biết.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc hôm nay cho biết rằng, các công ty tài chính địa phương đang đối mặt với ít rủi ro lây lan từ những rắc rối tại các ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ, nhưng một số công ty phi ngân hàng có thể phải đối mặt với căng thẳng gia tăng từ thị trường bất động sản trì trệ.
Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc cho biết các nhà chức trách sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường và thực hiện các biện pháp ổn định nếu cần.
Kết thúc phiên 23/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 47,00 điểm (-0,17%), xuống 27.419,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,90 điểm (+0,64%), lên 3.286,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 458,21 điểm (+2,34%), lên 20.049,64 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 7,52 điểm (+0,31%), lên 2.424,48 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lựa chọn cho chính sách tiền tệ
Nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ? Câu hỏi này đang được đặt ra không chỉ ở Việt Nam, mà hầu như trên toàn thế giới..>> Chi tiết
- Công ty chứng khoán dè dặt với kế hoạch lợi nhuận năm 2023
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng và mở rộng quy mô tài sản, năm 2023, nhiều công ty chứng khoán thận trọng hơn khi đặt ra kế hoạch kinh doanh, kéo theo nguồn chi trả cổ tức “eo hẹp” hơn trước..>> Chi tiết
- Những tín hiệu ấm dần của thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu đang ấm dần. Để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, các nhà đầu tư cũng cần lựa chọn doanh nghiệp uy tín, có phương án phát hành, kinh doanh và trả nợ hiệu quả..>> Chi tiết
- Tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, Fed cho biết chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc
Hôm thứ Tư (22/3), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đồng thời bày tỏ sự thận trọng về cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây và cho rằng việc tăng lãi suất sắp kết thúc..>> Chi tiết