Ngày 24-3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I/2023 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2023.
Bộ Tài chính đưa ra 3 kịch bản dự báo lạm phát năm nay, tăng 3,9 - 4,8% so với 2022. Ảnh: Quang Thương
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết quý I/2023, bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tăng khoảng 4,2-4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trên cơ sở đánh giá chỉ số giá các mặt hàng cơ bản, Bộ Tài chính đưa ra 3 kịch bản dự báo lạm phát năm nay, tăng 3,9 - 4,8% so với 2022.
Trong trường hợp giả định 9 tháng còn lại CPI tăng đều một tỉ lệ như nhau so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52%. Như vậy sẽ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4,5%.
Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân năm 2023 trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong thời gian tới, dự báo giá năng lượng và các vật tư chiến lược sẽ vẫn có những biến động phức tạp. Căn cứ diễn biến dầu thô và giá dầu thành phẩm thế giới, Bộ Công Thương dự báo giá thành phẩm các mặt hàng này sẽ ở mức 90-100 USD/thùng (giảm 26,15%-39,39% so với cùng kỳ năm ngoái).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Giá điện chắc chắn điều chỉnh trong năm 2023
Đáng chú ý, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết ngày 16-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án giá bán lẻ điện bình quân của năm 2023. Bộ Công thương đã thành lập Đoàn kiểm tra giá điện của năm 2022 và từ đó mới đề ra được giá bán lẻ điện bình quân của năm 2023.
"Chúng tôi cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính để phối hợp, gửi hồ sơ phương án giá bán lẻ bình quân. Chắc chắn là phải có điều chỉnh giá điện trong năm 2023. Vì vậy, cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ làm rất cẩn thận theo đúng các quy định" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Một loại giá được người dân đặc biệt quan tâm khác là giá dịch vụ vận chuyển hàng không (giá vé máy bay), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành…
Cũng vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết trần giá vé máy bay vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, chi phí nhiên liệu tháng 12-2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12-2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9-2015. Chỉ số này tác động làm tổng chi phí tăng gần 28% so với tháng 12-2014 và 33,5% so với tháng 9-2015.
"Trên cơ sở tác động các chi phí nhiên liệu, tỉ giá và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành" - đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Về dịch vụ giáo dục, đại diện Bộ GD-ĐT thông tin Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan, đánh giá các tác động, nghiên cứu các giải pháp để có đề xuất điều chỉnh học phí phù hợp sau tháng 9-2023.
Về giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận báo cáo từ 1-7-2023 sẽ tăng lương cơ sở do đó giá dịch vụ y tế sẽ có sự điều chỉnh. Trong đó, đề xuất các mức giá phù hợp với lộ trình và mặt bằng xã hội, bảo đảm được nguồn thu cho cơ sở y tế công lập, nâng cao đời sống cho y bác sĩ. Bộ Y tế đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Thông tư quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu với mức độ và thời điểm phù hợp
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý dù Việt Nam không nằm trong nhóm nước có chỉ số CPI cao, nhưng tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên vật liệu và đầu ra của hàng hóa. Do đó, công tác quản lý, điều hành giá thời gian tới, các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì phải chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, sẵn sàng các biện pháp để ứng phó hiệu quả với các bất ổn.
"Từ nay đến cuối năm, các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết điều hành giữ lạm phát theo mục tiêu đề ra, phấn đấu thấp hơn kế hoạch đề ra" - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính trên cơ sở 3 kịch bản điều hành giá thời gian tới. Phải bảo đảm về các mặt hàng lương thực, thực phẩm; chủ động nguồn cung xăng dầu cho đời sống và sản xuất kinh doanh; liên bộ phối hợp với các địa phương đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng với giá cả hợp lý, không để ảnh hưởng tới tiến độ các công trình xây dựng.
Đặc biệt, đối với một số mặt hàng, dịch vụ như: Giá điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu,… Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, đánh giá cặn kẽ các yếu tố tác động để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh với mức độ và thời điểm phù hợp.
Đối với chính sách tài khóa và tiền tệ, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục điều hành linh hoạt, chủ động. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.