Theo thống kê của Bộ Xây dựng, ống nhựa đã thay thế các vật liệu truyền thống khác với tỷ lệ cao. Nhựa cũng đang là vật liệu chủ yếu làm ống nước dùng cho các công trình dân dụng.
Nhiều hộ dân đô thị phản ánh tình trạng lõi lọc nước bám đầy bùn đất, cặn bẩn. Theo các hộ dân, nước xả tại vòi trước khi qua máy lọc vẫn rất trong nên không nghĩ có thể lọc ra nhiều chất bẩn như thế.
Dù sử dụng nước sạch đô thị nhưng một số gia đình lại gặp phải tình trạng viêm da, nấm tóc, đau mắt và bệnh liên quan đến da liễu, đường tiêu hóa khác.
Một trong số nguyên nhân có thể kể là do đường ống nước trong mỗi công trình.
Ống nước tốt mới đảm bảo cho ra nguồn nước sạch, tránh rò rỉ, thẩm thấu. Trên thực tế, hệ thống ống nước còn nhiều đường ống cũ, đã sử dụng hàng chục năm, dễ bị vỡ hoặc rò rỉ, khiến vi sinh vật, vi rút, vi khuẩn, cặn bẩn, ion kim loại nặng độc hại như đồng, chì hay các độc tố như asen (thạch tín)… xâm nhập.
Hệ thống bồn chứa và đường ống dẫn dễ bị nhiễm bẩn do không sục rửa thường xuyên. Vòi nước kém chất lượng sẽ chứa nhiều kim loại độc hại bị thôi nhiễm vào nước.
Hệ thống ống nước hiện nay (chủ yếu bằng nhựa) sau một thời gian dài sử dụng bị vỡ hoặc rò rỉ, khiến vi sinh vật và các chất có hại có thể xâm nhập vào nguồn nước.
Về lâu dài, để đảm bảo độ bền cho các công trình ngầm, nhiều nước ưu tiên sử dụng ống đồng hoặc inox để đảm bảo nguồn nước sạch nhằm tránh tình trạng lắng đọng vôi hoặc rong rêu, cặn bã bám vào thành ống.
Mặc dù được đánh giá là vật liệu hoàn hảo nhưng chi phí của ống đồng quá cao, không phù hợp với điều kiện của phần lớn người Việt. Do đó, inox đang được xem là vật liệu tốt hơn bởi không gây đóng cặn, không gây kết tủa, giữ nước sạch mà chi phí lại rẻ hơn nhiều. Hiện inox đã được nhiều nước tiên tiến dùng làm ống dẫn nước.
Tại Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào sản xuất ống nước bằng inox. Từ nhu cầu cuộc sống, đòi hỏi thời gian tới cần có những doanh nghiệp lớn trong nước tiên phong đưa vật liệu này vào sản xuất ống nước, phục vụ các công trình dân dụng.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cần phải có thời gian và nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng, nâng chất lượng đời sống người dân.
Theo World Bank, lượng nhựa mỗi năm rò rỉ ra sông và biển tại Việt Nam có thể tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030.
Xem thêm: mth.94695157142303202-uad-ut-ned-ahn-gnort-gnud-coun-nougn-meihn-o-oc-yugn/nv.ertiout