Năm 1989, nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đưa ra một dự báo được nhiều người xem như một tuyên bố cho chiến thắng tuyệt đối của các giá trị dân chủ tự do (liberal democracy).
Trong bài viết cho tạp chí National Interest mang tựa đề "Sự kết thúc của lịch sử?", Fukuyama khẳng định thế giới đang chứng kiến "điểm kết thúc trong quá trình tiến hóa ý thức hệ của loài người, và sự phổ biến của dân chủ tự do phương Tây là hình thức chính phủ cuối cùng của con người".
Sự sụp đổ của bức tường Berlin và việc Liên Xô tan rã càng khiến Fukuyama trở nên nổi bật. Năm 1992, ông phát triển ý tưởng này thành cuốn sách "The End of History and the Last Man".
"The End of History" là điểm kết thúc của lịch sử, với chiến thắng dành cho "the last man", tức người cuối cùng: một công dân điển hình sống trong thế giới ở điểm cuối ấy.
Trong thế giới đã kết thúc ấy, công dân điển hình sẽ không chấp nhận mạo hiểm chiến đấu cho sự công nhận của riêng anh ta nữa. Thay vào đó, công dân này sẽ tập trung bảo vệ bản thân, thỏa mãn bản thân bằng kinh tế.
Trong những tài liệu, bao gồm sách giáo khoa về khoa học chính trị và chính trị quốc tế hiện đại, các học giả phương Tây đều nhắc về một trật tự thế giới đơn cực (unipolar world) do Mỹ dẫn đầu. Đó là hình dung về thế giới sau khi Mỹ là siêu cường duy nhất vì Liên Xô đã không còn.
Cái bắt tay của Nga và Trung Quốc
Không ít ý kiến cho rằng ông Fukuyama quá ngạo mạn với quan điểm về sự chấm dứt của lịch sử. Tuy nhiên, giai đoạn hơn một năm qua kể từ ngày Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine cho tới thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Nga Putin đã biến lo ngại của giới làm chính sách ngoại giao Mỹ thành hiện thực.
Nói như Đài CNN, một mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Nga gây bất lợi cho chính sách ngoại giao của Mỹ, và là một cơn ác mộng về địa chính trị cho Washington.
Đối với ông Putin, phương Tây thường cho rằng nhà lãnh đạo Nga tấn công Ukraine vì nỗi ám ảnh quyền lực nước Nga và vụ sụp đổ của Liên Xô. Ông Putin được mô tả như người muốn khôi phục vị thế siêu cường của nước Nga.
Với ông Tập Cận Bình, giới phân tích phương Tây cũng thường xuyên đề cập tới trạng thái của một siêu cường đang lên, trong đó mong muốn cạnh tranh vị thế siêu cường số một với Mỹ.
Chính vì vậy, dù bản chất mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là gì, một thực tế khá rõ ràng rằng cả hai đều có quyết tâm thách thức thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Nói cách khác, Matxcơva và Bắc Kinh không muốn lịch sử chấm dứt tại đây, và không chấp nhận là một "công dân điển hình" kiểu Mỹ.
Gary Locke, cựu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, cũng nhận định rằng Trung Quốc đang cố gắng thể hiện bản thân là một thế lực mới đứng lên chống lại quyền lực phương Tây và trật tự của phương Tây.
"Trung Quốc và rất nhiều nước đang nổi lên mạnh mẽ về chính trị và kinh tế khác cảm thấy họ phải tuân thủ luật lệ do Mỹ và một số nước châu Âu đặt ra. Và họ thấy rằng họ phải có tiếng nói trong cái gọi là tập hợp các quy tắc giữa các nước. Và họ thực sự phẫn nộ trước sự thống trị và mạnh tay của Mỹ và các nước châu Âu trong nhiều vấn đề thế giới", ông Locke nói với CNN.
Hai chiến lược thất bại của Mỹ
Phân tích của Fukuyama về điểm kết thúc của lịch sử cũng nằm trong số các dòng tư tưởng chủ đạo của chính giới Mỹ giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh.
Niềm tin về thắng lợi tuyệt đối của giá trị dân chủ tự do song hành với lý thuyết hòa bình nhờ dân chủ (democratic peace). Theo lý thuyết này, những nền dân chủ ít có khả năng xảy ra chiến tranh với nhau. Và nếu lan tỏa được sự dân chủ, đó là cách đảm bảo hòa bình lâu dài.
Nhưng, tạm thống nhất định nghĩa về "dân chủ" theo góc nhìn phương Tây, vấn đề là làm thế nào để lan tỏa dân chủ.
Người Mỹ đã chọn cách khuyến khích hội nhập và phát triển kinh tế. Họ nối lại quan hệ êm thấm với Nga cho tới trước 2014, cũng như chấp nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Tất cả được triển khai lớp lang với niềm tin rằng một khi Nga và Trung Quốc giàu lên, mức độ "dân chủ" sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc về mặt kinh tế không đi theo hướng Mỹ kỳ vọng. Việc tham gia WTO không đồng nghĩa Trung Quốc sẽ hành xử đúng ý Mỹ trong vấn đề thương mại. Thất bại này được thể hiện rõ qua giai đoạn "chiến tranh thương mại" thời cựu Tổng thống Donald Trump, và tiếp diễn cho tới nay dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Đối với Nga, giới phân tích chính sách Mỹ đã tranh cãi 30 năm qua. Người theo dân chủ tự do đổ lỗi cho cá nhân ông Putin. Người theo chủ nghĩa hiện thực (Realism) khẳng định trường hợp Nga là lỗi chính sách của Mỹ, và cụ thể là việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi chính trị gia theo lối dân chủ tự do phán xét tình huống dựa trên quy tắc, đạo đức, giá trị… thì người hiện thực chú trọng quyền lực và chính trị.
Diễn biến tới nay cho thấy cả hai chiến lược của Mỹ dành cho Trung Quốc và Nga đều thất bại.
CNN nhắc lại việc Mỹ bắt đầu cởi mở với Trung Quốc trong những năm 1970 dưới thời chính quyền Nixon, lưu ý rằng đây là động tác góp phần chia rẽ Trung Quốc và Liên Xô. Nhưng hàng loạt chính sách sau đó đã kết thúc với màn bắt tay giữa ông Tập và ông Putin. Mỹ "mất" Trung Quốc.
Tương tự, việc mở rộng NATO đã thúc đẩy sự phản ứng của Nga và sau cùng Matxcơva xích lại gần Trung Quốc.
George F. Kennan, một trong những kiến trúc sư cho chính sách Chiến tranh lạnh của Mỹ, thực ra đã cảnh báo về hậu quả của việc mở rộng NATO sang phía đông. Ông thậm chí đã đoán được việc này sẽ đẩy Nga về phía Trung Quốc.
Vào tháng 2-1997, Kennan ở tuổi 93 đã viết trên New York Times: "Việc mở rộng NATO sẽ là sai lầm định mệnh trong chính sách của Mỹ ở thời đại hậu Chiến tranh lạnh. Một quyết định như thế có thể làm bùng phát chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chống phương Tây, và xu hướng quân sự trong dư luận Nga…".
Ông dự đoán Nga sẽ phát triển quan hệ gần gũi hơn với các nước láng giềng phía đông, đáng chú ý là Iran và Trung Quốc, nhằm tạo ra một khối quân sự chống phương Tây mạnh mẽ, đối trọng với một NATO đang tăng cường áp đảo thế giới.
Tình hình có vẻ đúng như vậy. Nếu Nga và Iran đã có sự kết nối từ trước, Trung Quốc đang thậm chí tạo sức ảnh hưởng ở cả Trung Đông sau khi làm trung gian hòa giải cho Iran và Saudi Arabia. Sắp tới, Iran và Saudi Arabia được biết sẽ mở lại sứ quán ở Syria. Hiện nay Nga là đồng minh số một của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người không được phương Tây ưa thích.
Trong chuyến thăm Nga lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ít lần nhắc lại quan điểm về mô hình hợp tác mới của các nước lớn, đồng thời nhấn mạnh không đồng ý với việc một thế lực duy nhất chi phối thế giới. Ông không trực tiếp nhắc tên Mỹ, nhưng chắc chắn tuyên bố này cho thấy lịch sử chưa chấm dứt…
Kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Trung Quốc đề xuất trong cuộc hội đàm Nga - Trung trở thành trọng tâm trong chuyến thăm chính thức của ông Tập tới Nga. Tại Matxcơva, ông Tập đã có cuộc gặp lần thứ 40 với ông Putin trong một thập niên qua.
Xem thêm: mth.48771612142303202-iah-ac-tam-av-agn-tam-couq-gnurt-tam-ym/nv.ertiout