Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I/2023 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2023. Ảnh VGP/Quang Thương
Sáng 24/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I/2023 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2023.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong tình hình kinh tế thế giới có biến động và khó khăn như này cần phân tích thấu đáo, khách quan về tình hình giá cả thị trường trong nước và quốc tế, dự báo tình hình và đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả cố gắng điều hành đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong quý I/2023, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Do tác động của giá cả thế giới, giá của một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lóng có diễn biến tăng giảm đan xen, giá vật liệu xây dựng tăng trong quý I/2023,…
Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, lo ngại áp lực lạm phát có thể ảnh hưởng đến thu nhập và người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, song thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được kỳ vọng đang trên đà hồi phục với mức tăng trưởng tốt sau thời gian chững lại do dịch COVID-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm 2023 đạt 994.152,6 tỷ đồng, tăng 13%.
Thực hiện các giải pháp tài khóa theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề trình Quốc hội, UBTVQH quyết định cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Tiếp nối các chính sách thực hiện trong năm 2022, tổng số miễn, giảm lũy kế đến tháng 1/2023 ước khoảng 52.623 tỷ đồng, bằng 82,2% số dự kiến xây dựng chương trình (64 nghìn tỷ).
Trước tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao đột biết, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn. Lũy kế thực hiện các chính sách này đến tháng 1/2023 ước khoảng 33.877 tỷ đồng.
Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân năm 2023 trình cấp có thẩm quyền ban hành (do các chính sách miễn, giảm và gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí đã ban hành có phạm vi thực hiện chủ yếu trong năm 2022).
Về điều hành lãi suất, để thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 15/3/2023, NHNN điều chỉnh giảm 0,5-1% các mức lãi suất. Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Báo cáo cũng phân tích chi tiết công tác diều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu; LPG/Gas; điện; giá dịch vụ vận tải; vật liệu xây dựng; lương thực, thực phẩm, nông sản; dịch vụ giáo dục (học phí); dịch vụ khám chữa bệnh, giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; diễn biến thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất.
Trên cơ sở dự báo những yếu tố gây áp lực, giảm áp lực lên mặt bằng giá, báo cáo xây dựng 3 kịch bản điều hành giá quý II năm 2023 và các tháng còn lại của năm 2023, qua đó kiến nghị các giải pháp điều hành giá trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo bày tỏ thống nhất với nội dung báo cáo đồng thời làm rõ thêm một số kết quả, cũng như giải pháp điều hành giá trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, thời gian vừa qua, việc cung ứng đất đắp, cát san lấp, xây dựng các công trình giao thông trọng điểm có "căng thẳng" nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được. Giá xi măng có xu hướng giảm, giá thép vẫn nằm trong tầm kiểm soát, các mặt hàng khác giữ ổn định. Theo Thứ trưởng Bùi Hồng Minh, hiện thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, giá sụt sâu, các cơ quan quản lý đã và đang triển khai các biện pháp để tháo gỡ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng, áp lực lạm phát là có nhưng chúng ta có cơ sở ngay từ đầu năm để kiểm soát được, chúng ta không chủ quan. Phó Thống đốc cho biết, ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; kiến nghị tiếp tục kiểm soát giá cả nhất là các mặt hàng nhà nước quản lý; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; làm tốt công tác truyền thông về công tác điều hành giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, trong quý I/2023, giá dịch vụ vận tải ổn định, nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành giá nên sản lượng vận tải cả về hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số. Cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, làm rất tốt công tác quản lý giá vật liệu san lấp, đất đai như Hà Tĩnh, Quảng Bình,… Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Ban điều hành giá chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác điều hành giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP/Quang Thương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường về địa chính trị, lạm phát toàn cầu vẫn rất cao, quý I có Tết Nguyên đán (ngày sản xuất kinh doanh ít),… nên trong quý I/2023, CPI ước tăng 4,2 - 4,3% là phù hợp và chấp nhận được.
Vai trò của Ban Chỉ đạo điều hành giá thể hiện rất rõ trong việc không để xảy ra tình trạng khan hiếm, giá các loại hàng hóa thiết yếu không có biến động lớn; các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành phù hợp với thực tiễn,… Đây là những tiền đề tốt cho công tác điều hành giá Quý II và thời gian còn lại của năm 2023.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.
Về dịch vụ giáo dục, đại diện Bộ GDĐT cho biết, Chính phủ đã quyết giữ ổn định học phí 2022 - 2023 như năm 2021 - 2022 nên đến tháng 8 tới, học phí sẽ không tăng. Hiện Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các cơ quan liên quan, đánh giá các tác động, nghiên cứu các giải pháp để có đề xuất điều chỉnh phù hợp sau tháng 9/2023.
Về giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, từ 1/7/2023 sẽ tăng lương cơ sở do đó giá dịch vụ y tế sẽ có sự điều chỉnh. Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Thông tư quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, trong đó, Bộ đề xuất các mức giá phù hợp với lộ trình và mặt bằng xã hội, đồng thời bảo đảm được nguồn thu cho cơ sở y tế công lập, nâng cao đời sống cho y bác sĩ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương kinh tế quý I/2023 đã diễn ra theo đúng nhận định của các tổ chức quốc tế, giá cả giảm tốc nhưng vẫn neo ở mức cao và tăng trưởng khó hơn 2022.
Đối với Việt Nam, CPI ở mức không phải là cao so với thế giới và khu vực. Quý I/2023 năm nay, CPI tăng khoảng 4,2%. Sắp tới tính bất ổn rất cao, nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát, thị trường của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào giá: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, sắt thép… Tổng cục trưởng Thống kê đề nghị đối với giá các dịch vụ, hàng hóa như y tế, giáo dục, điện… cần quản lý chặt chẽ và có lộ trình điều chỉnh cụ thể.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Quyết tâm điều hành giá đạt mục tiêu đề ra. Ảnh VGP/Quang Thương
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng báo cáo trung tâm được hầu hết các ý kiến đồng tình, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến bổ sung hợp lý, xác đáng để hoàn thiện báo cáo. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục điều hành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý giá trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nội dung: Bình quân quý I CPI ước tăng 4,2 - 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Theo phân tích, đánh giá của Tổng cục Thống kê và đối chiếu với các kịch bản đề ra, xu hướng này nằm trong quy luật chung của những năm gần đây. Kết quả này hiện nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành giá của cả hệ thống trong thời gian qua, là cơ sở để chúng ta cố gắng đến cuối năm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, dù chúng ta không nằm trong nhóm nước có chỉ số CPI cao, nhưng tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên vật liệu và đầu ra của hàng hóa.
Ở trong nước, doanh nghiệp tuy đã phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn. Do đó trong công tác quản lý, điều hành giá thời gian tới, các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì phải chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, sẵn sàng các biện pháp để ứng phó hiệu quả với các bất ổn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính trên cơ sở 3 kịch bản điều hành giá thời gian tới, tiếp tục phối hợp với các bộ ngành rà soát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tham số đầu vào, đầu ra sao cho thật sát với tình hình thực tế để hoàn thiện các kịch bản điều hành giá trong thời gian tới. Tinh thần là sẵn sàng các biện pháp để ứng phó hiệu quả nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở các dự báo tình hình trong nước và thế giới, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến về kinh tế, lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả, nhất là các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm… để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu.
Đối với chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp liên quan đến thuế, phí, thanh toán đầu tư công…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề hoàn thiện Luật Giá, bảo đảm quản lý giá theo cơ chế thị trường, nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, có phân công, phân cấp rõ ràng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, đánh giá cặn kẽ các yếu tố tác động để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu với mức độ và thời điểm phù hợp. Ảnh VGP/Quang Thương
Đối với chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam ở mức hợp lý, không để ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành phải chú trọng tới công tác thông tin truyền thông nhằm thông tin kịp thời, minh bạch, đúng bản chất vấn đề, "không tô hồng, không bôi đen",… để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội đối với công tác điều hành giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý giá, cùng với các bộ ngành liên quan kiểm soát giá cả theo đúng quy định của pháp luật về giá.
Đối với mặt hàng thiết yếu cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm về các mặt hàng lương thực, thực phẩm; nắm bắt dự báo tình hình thế giới, chủ động nguồn cung xăng dầu cho đời sống và sản xuất kinh doanh; đối với vật liệu xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp cùng Bộ TN&MT, Bộ GTVT và các địa phương đảm bảo nguồn cung với giá cả hợp lý, không để ảnh hưởng tới tiến độ các công trình xây dựng.
Đối với nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm, hiện tại "không có vấn đề gì lớn" nhưng cũng phải thường xuyên quan tâm, có giải pháp để ứng phó với các biến động, bảo đảm giá cả hợp lý.
Đối với một số mặt hàng, dịch vụ như: giá điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu…, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, đánh giá cặn kẽ các yếu tố tác động để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh với mức độ và thời điểm phù hợp.
VTV.vn - Năm sau, công tác quản lý, điều hành giá cần được tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!