Ghi nhận của PLO ở một số điểm tham quan, tập trung đông người như Quảng trường Lam Sơn, tượng đài Lê Lợi, Công viên Hội An, Phan Chu Trinh, Bố Vệ ở TP Thanh Hoá đều có lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Tuy nhiên, cũng tại đây nhiều NVSCC nhếch nhác, đóng cửa và có dấu hiệu xuống cấp.
Tại khu vực gần Quảng trường Lam Sơn được đầu tư xây dựng NVSCC và máy lọc nước thông minh, hiện đại nhưng suốt thời gian qua vẫn luôn trong tình trạng khóa trái cửa, không hoạt động.
Quảng trường Lam Sơn cũng là khu vực được UBND TP Thanh Hóa triển khai phố đi bộ, không gian văn hóa. Theo dự kiến dự án sẽ khởi động vào vào cuối tháng 3-2023.
Quảng trường Lam Sơn là nơi tập trung đông người, tuy nhiên nhà vệ sinh tại đây được người dân phản ánh không mở cửa. Ảnh: Đ. TRUNG |
Và khóa trái cửa. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Chị Nguyễn Thị Duyên, một người dân địa phương cho hay thỉnh thoảng cuối tuần hoặc buổi tối chị thường đưa con trai lên khu vực quảng trường Lam Sơn chơi nhưng nhà vệ sinh tại đây lại luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài.
Trên trục đường bên vỉa hè đại lộ Lê Lợi gần công viên Hội An thuộc phường Lam Sơn cũng có NVSCC nhưng chỉ có một nhà vệ sinh hoạt động, nhà vệ sinh còn lại trở thành nơi chứa đồ của người bán hàng rong.
Nhà vệ sinh gần khu vực Công viên Hội An đóng cửa. Ảnh: Đ. TRUNG |
Thậm chí nhà vệ sinh còn là nơi chứa đồ của người bán hàng rong. Ảnh: Đ. TRUNG |
1 nhà vệ sinh công cộng ở TP Thanh Hóa bẩn thỉu và xuống cấp. Ảnh: Đ. TRUNG |
Một người dân ở phường Đông Hải cũng cho biết mỗi lần đi vào NVSCC tại công viên Phan Chu Trinh nằm bên đường Bà Triệu (phường Điện Biên) là ám ảnh trước sự xuống cấp, bẩn thỉu...
Thậm chí có nơi còn được băng bó bởi băng dính. Ảnh: Đ. TRUNG |
Trả lời về thực trạng nêu trên, đại diện Phòng Quản lý Đô thị thuộc UBND TP Thanh Hóa cho biết, việc vận hành và dọn vệ sinh ở các NVSCC trên địa bàn, TP Thanh Hóa giao cho Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đại diện phía Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cho biết hiện nay công ty này chỉ nhận vệ sinh môi trường, cảnh quan của 14 NVSCC trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Máy lọc nước thông minh được đầu tư số tiền lớn nhưng không hoạt động. Ảnh: Đ. TRUNG |
Máy lọc nước cáu bẩn ngay nơi lấy nước uống của người dân lẫn du khách. Ảnh: Đ. TRUNG |
Đại diện công ty môi trường thông tin đơn vị chỉ làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường và cảnh quan, còn các thiết bị hư hỏng, xuống cấp thì đơn vị đầu tư là UBND TP Thanh Hóa có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa.