Để giúp lãi suất giảm về mức có thể giúp đông đảo doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, cần thêm giải pháp từ các bộ, ngành khác nhằm tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết “nút thắt” trái phiếu doanh nghiệp... Khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện, VN-Index sẽ đón nhận nhiều tin tốt và kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán mạnh mẽ.
Đây là chia sẻ về các yếu tố tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam của bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Phòng Phân tích và đầu tư, Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS), khi trao đổi với PV.
FED đã có phần mềm mỏng hơn
PV: Thưa bà, sau nhiều ngày chờ đợi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng thêm lãi suất 0,25%. Mặc dù kịch bản này nằm trong dự đoán và không quá bất ngờ, nhưng bà đánh giá thế nào về mức tăng lần này của FED và thông điệp của lãnh đạo FED đã đưa ra?
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Đúng là kịch bản lần này không bất ngờ. Trong báo cáo tháng 3, ABS Research cũng đã dự báo FED tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 22/3. Đây là một mức tăng hợp lý vì vẫn theo sát lộ trình chống lạm phát, trong khi có tính đến điều kiện thị trường tài chính, ngân hàng và việc làm. Sau lần tăng này, lãi suất cho vay qua đêm của FED đang dao động trong ngưỡng 4,75% - 5%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã ngay lập tức phản ứng với thông tin trên. Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm -530,49 điểm, tương đương giảm -1,63%; chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt giảm -1,65% và -1,6%. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, tâm lý nhà đầu tư còn bị tác động lớn bởi các lo ngại về làn sóng rút tiền gửi ồ ạt bắt nguồn từ các vụ sụp đổ nhà băng tại Mỹ sẽ gây nguy cơ mất thanh khoản hệ thống ngân hàng. Lý do là không phải tất cả các khoản tiền gửi vượt quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ được đảm bảo trong tương lai, theo chia sẻ sau cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen.
Một tín hiệu tích cực từ phát biểu của Chủ tịch FED Powell là thay vì tăng lãi suất liên tục thì FED sẽ kết hợp các công cụ chính sách bổ sung phù hợp khác nhằm ổn định lạm phát, cho thấy một động thái mềm mỏng hơn so với các tuyên bố trước đây. Chúng tôi cho rằng, sắp tới FED sẽ cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác để ra quyết định.
Khối nội đang quan tâm tới nội tại nền kinh tế trong nướ nhiều hơn
PV: Dù chưa phải là tin tốt, nhưng dù gì tâm lý chờ đợi đã được gỡ bỏ. Bà đánh giá thế nào về tác động của việc FED tăng lãi suất lần này tới thị trường chứng khoán trong nước?
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Chúng tôi cho rằng, tại thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã chuyển sự chú ý sang những câu chuyện mang tính chất nội tại của nền kinh tế Việt Nam hơn, chứ không hoàn toàn tập trung vào hành động của FED. Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi, việc FED tăng lãi suất lần này tác động không đáng kể tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một số vấn đề nội tại mà nhà đầu tư có thể theo dõi như tổng cầu suy yếu, cả về tiêu dùng nội địa, đầu tư, xuất khẩu và đầu tư công. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng nhẹ 1,1% so với mức tăng 1,82% cùng kỳ, tổng giá trị bán lẻ chỉ tương đương 78% cùng kỳ mức trước Covid-19 (năm 2019), giá trị giải ngân đầu tư công chỉ đạt 7% kế hoạch. Tổng trị giá nhập khẩu của cả nước tính đến hết 15/3/2023 đạt 60 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ, mang đến viễn cảnh tình hình sản xuất của Việt Nam sẽ không mấy khả quan trong năm 2023.
Ngoài ra, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn thanh toán trong quý II, III năm nay rất lớn và có nhiều doanh nghiệp đã không thanh toán được gốc và lãi…
PV: Về mặt chính sách tiền tệ, bà có dự báo gì về khả năng “quay đầu” chính sách tiền tệ của FED và cơ hội của việc giảm lãi suất cho vay của Việt Nam sẽ thế nào? Thị trường chứng khoán trong nước sẽ hưởng lợi gì khi chính sách giảm lãi suất ngấm vào thực tiễn?
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Chúng tôi kỳ vọng FED sẽ đảo chiều chính sách vào cuối năm để tránh gia tăng sức ép tới hệ thống ngân hàng và môi trường sản xuất kinh doanh.
Bàn về vấn đề lãi suất, vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế, khiến các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Tuy chưa nhiều, nhưng lãi suất cho vay với những khoản mới phát sinh cũng đã giảm tương ứng. Xu hướng hạ nhiệt trên là tất yếu và sẽ còn tiếp diễn.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng để lãi suất giảm về mức có thể giúp đông đảo doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, cần thêm giải pháp từ các bộ ngành khác để tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp... Đây là các vấn đề tác động tới thanh khoản, nợ xấu, chi phí vốn của hệ thống ngân hàng. Khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, VN-Index sẽ đón nhận nhiều tin tốt và kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường mạnh mẽ.
Tâm lý thận trọng chưa thể qua nhanh
PV: Nhiều tác động lớn của thị trường chứng khoán trong nước đã qua như ETF tái cơ cấu, đáo hạn phái sinh, FED đã tăng lãi suất,… Liệu rằng những thông tin đó đã đủ để gỡ bớt sự thận trọng của dòng tiền hay chưa? Bà dự báo thế nào về thị trường trong ngắn và trung hạn?
"Trong trung hạn, các chính sách điều hành và hỗ trợ của Chính phủ sẽ có vai trò rất lớn đến dòng tiền của thị trường chứng khoán.
Chúng tôi cho rằng, để VN-Index có thể tạo đáy dài hạn, cần có dòng tiền lớn và chính sách mang tính bước ngoặt từ Chính phủ, NHNN, cũng như nhiều bộ, ngành liên quan".
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Hai yếu tố ETF tái cơ cấu và đáo hạn phái sinh đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Yếu tố thực sự tác động đến tâm lý nhà đầu tư là việc thị trường giảm điểm mạnh từ mức đỉnh gần 1.500 điểm khiến số đông nhà đầu tư thua lỗ đã khiến họ thận trọng hơn.
Về các yếu tố vĩ mô, ngoài các vấn đề trong nước như chúng tôi đã đề cập ở trên, FED vẫn còn ít nhất một lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, đưa lãi suất cho vay qua đêm lên ít nhất 5,0 - 5,25%. Trên nền lãi suất cao của USD, lãi suất tiền đồng dù có giảm cũng vẫn ở mức cao so với khả năng sinh lời của đa số doanh nghiệp sản xuất. Đây là thách thức không nhỏ cho nền kinh tế.
Lãi suất USD tăng cao cũng là thách thức với Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, có rất nhiều yếu tố còn tiếp tục tác động đến tâm lý nhà đầu tư và sự thận trọng chưa thể hết ngay.
Về thị trường, hiện tại chúng ta có lực đỡ từ khối ngoại, hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và nâng đỡ chỉ số VN-Index. Do đó, chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn, nếu VN-Index giữ được vùng giá 980 - 1.000 điểm, có thể kỳ vọng vào 1 nhịp hồi phục tăng lên 1.140 - 1.160 như ABS đã dự báo từ đầu năm. Ngược lại, nếu VN-Index không giữ được vùng giá 980 - 1.000 điểm, thì mốc hỗ trợ mạnh có thể thấp hơn.
Trong trung hạn, các chính sách điều hành và hỗ trợ của Chính phủ sẽ có vai trò rất lớn đến dòng tiền của thị trường. Chúng tôi cho rằng, để VN-Index có thể tạo đáy dài hạn, cần có dòng tiền lớn và chính sách mang tính bước ngoặt từ Chính phủ, NHNN, cũng như nhiều bộ, ngành liên quan.
PV: Xin cảm ơn bà!
Xem thêm: lmth.52481000042210202-em-hnam-naohk-gnuhc-gnourt-iht-ial-ort-neit-gnod-oig-oab/nv.semitaer