Sau hai tuần xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết tuyên tù chung thân "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của ba ngân hàng.
Ngoài mức án của các bị cáo thì phán quyết trong phần dân sự liên quan đến quyền lợi của những người gửi tiết kiệm tại ba ngân hàng bị "siêu lừa" chiếm đoạt cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Vấn đề này được bàn thảo nhiều từ khi vụ án bị khởi tố với nhiều quan điểm trái nhau và cũng được tranh luận nhiều trong suốt quá trình xét xử.
Vụ án đã kéo dài hơn 4 năm, nhiều lần bị các cơ quan tố tụng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ việc các "đại gia" gửi tiền có vai trò đồng phạm cùng "siêu lừa" chiếm đoạt tiền hay không.
Bản án và kết luận từ cơ quan công an đến nay vẫn xác định không có đồng phạm lừa đảo giữa Hà Thành và các "đại gia".
"Có quan hệ vay mượn" giữa "siêu lừa" và người gửi tiền
Ông Đặng Nghĩa Toàn là người gửi tiền tại ba ngân hàng bị "siêu lừa" Hà Thành chiếm đoạt nhiều nhất, tổng 122 tỉ đồng.
Đánh giá toàn bộ vụ án, tòa nhận thấy bị cáo Thành khai số tiền đứng tên sổ tiết kiệm của ông Toàn tại các ngân hàng và tiền đồng sở hữu với 5 đại gia khác tại VietAbank đều là số tiền "Thành vay của những người này".
Trong khi đó, ông Toàn khai chỉ đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành vì ham tiền thưởng lãi suất được hứa hẹn, không đồng phạm với Thành việc lừa đảo và không cho vay mượn.
Thành giả chữ ký của ông Toàn để mang các sổ tiết kiệm này thế chấp ngân hàng vay tiền.
Tuy nhiên, bản án nhận định có cơ sở xác định số tiền ông Toàn đứng tên các sổ tiết kiệm tại NCB, PVcombank và VietAbank là tiền của ông Toàn cho Thành vay.
Còn số tiền "siêu lừa" đứng tên đồng sở hữu với "đại gia" Hà Luân, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cũng khai với lãi suất 15%/6 tháng, tương đương lãi suất 2,5%/tháng.
Còn người gửi tiền thì khai để Hà Thành đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm với mục đích lấy lãi suất cao hơn bình thường.
Phía VietAbank đưa ra công văn với các khoản tiền vay đó, vào thời điểm 2018, tiền gửi truyền thống có kỳ hạn 6 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, với mức 100 triệu đồng trở lên đều chỉ được hưởng lãi suất 7,1%/năm.
Do đó, tòa nhận định lời khai của những đại gia này về việc gửi tiền đồng sở hữu với Thành để hưởng lãi 7,8%/năm là không có căn cứ.
Theo nhận định của tòa, số tiền ông Toàn gửi tiết kiệm tại NCB, VietAbank và PVcombank và tiền của một số "đại gia" gửi tiết kiệm là tiền của những người này cho Hà Thành vay.
"Đây là mối quan hệ vay mượn riêng với nhau, không có cơ sở cho rằng ông Toàn đã gửi tiết kiệm rồi đưa sổ cho Thành để lấy tiền hoa hồng, hoặc của những gửi tiền đứng tên đồng sở hữu với Thành để lấy lãi suất cao", bản án nhận định.
Hội đồng xét xử cho rằng mục đích Thành dùng các sổ tiết kiệm vay tiền ngân hàng là để rút số tiền đã vay của ông Toàn và những người đồng sở hữu ra.
"Bản chất của việc gửi tiền của các đại gia vào ngân hàng để ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thay Thành, khi Thành không trả được nợ, thì đây là hợp đồng giả cách che giấu việc vay nợ giữa các đại gia và Thành", bản án nêu.
Các "đại gia" có quyền khởi kiện dân sự
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên "siêu lừa" Hà Thành phải trả cho ba ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank lần lượt 47,5 tỉ đồng, gần 274 tỉ đồng và gần 50 tỉ đồng cùng hàng chục tỉ đồng cho các bị hại.
122 tỉ đồng của "đại gia" Đặng Nghĩa Toàn gửi tiết kiệm ở ba ngân hàng trên, tòa tuyên tạm giao cho các ngân hàng quản lý để đảm bảo thi hành án phần trách nhiệm dân sự của Hà Thành với ngân hàng, đến khi Cục Thi hành án dân sự thi hành phần quyết định này.
Các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa Thành và một số đại gia khác tại VietAbank cũng được giao cho ngân hàng tạm giữ lại với mục đích trên.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử dành quyền khởi kiện dân sự cho ông Toàn và những "đại gia" bị ngân hàng tạm giữ tiền gửi tiết kiệm trong một vụ án khác, trong trường hợp họ không đồng ý với quyết định lần này.
Riêng với các sổ tiết kiệm tổng 80 tỉ đồng của những người đứng tên đồng sở hữu với Hà Thành, được xác định "trong sạch" không có quan hệ vay mượn được tòa tuyên phải trả lại kèm lãi suất.
Với một đại gia bị VietAbank "giam" 5 sổ tiết kiệm, tòa tuyên ngân hàng không được phong tỏa các sổ này, phải trả nếu khách yêu cầu.
Trước đó, trong quá trình tranh tụng tại tòa, những người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng bị "siêu lừa" chiếm đoạt đã yêu cầu các nhà băng phải có trách nhiệm trả lại.
Họ cho rằng đồng ý góp tiền vào sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Hà Thành do tin tưởng lời đảm bảo các nhân viên ngân hàng. Họ gửi tiền đúng quy trình thủ tục, bị Hà Thành giả chữ ký thế chấp sổ tiết kiệm dẫn đến mất tiền.
Ông Đặng Nghĩa Toàn khẳng định không có quan hệ vay mượn với Hà Thành, các đại gia khác cũng khẳng định gửi tiền theo đúng thủ tục với ngân hàng nên phải được trả lại sổ tiết kiệm.
Phía các ngân hàng thì xin thay đổi tư cách tố tụng, từ bị hại sang người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Đại diện các nhà băng đều cho rằng quan hệ giữa người gửi tiền với "siêu lừa" là quan hệ vay mượn, hứa hẹn trả lãi cao.
Ngân hàng không đồng ý việc phải trả tiền cho những người gửi tiết kiệm, mà trách nhiệm này thuộc "siêu lừa" Hà Thành.
Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa thì cho rằng nguồn tiền của các "đại gia" và tiền Hà Thành lừa đảo ba ngân hàng là khác nhau, không thể đánh đồng.
Hồ sơ vụ án cũng cho thấy những người gửi tiền đều không biết bị Hà Thành giả chữ ký để làm tài sản bảo lãnh khoản vay.
Viện kiểm sát đề nghị các ngân hàng cân đối lợi ích, quan tâm đến các thiệt hại hàng trăm tỉ của khách hàng, "nếu không sẽ không còn ai yên tâm gửi tiền".
"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc là chủ mưu chiếm đoạt số tiền lớn của các ngân hàng nên đề nghị tòa phạt tù chung thân. Tòa tuyên các ngân hàng phải trả tiền cho một số người gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị “siêu lừa” chiếm đoạt.