Yêu cầu này đặt ra trong bối cảnh tỉ lệ giải ngân vốn công hai tháng qua mới đạt hơn 49.247 tỉ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 2%.
Trong đó 90% bộ, ngành và 30% địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 5%, trong đó 44 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. 26 bộ, cơ quan trung ương và 50 địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công.
Thực tế, những năm trước các bộ, ngành, địa phương chỉ cốt mong có được vốn đầu tư công, dự án. Đồng thời nghĩ đơn giản có vốn về là quan trọng nhất để triển khai công trình, dự án cho bộ, ngành, địa phương mình.
Cùng với đó các bộ, ngành, địa phương đều cố gắng làm sao để ghi bằng được dự án vào danh mục. Trong khi đó quá trình chuẩn bị, đánh giá các điều kiện, thông số không được chu đáo, coi trọng.
Bởi tâm lý gấp gáp, chỉ mong cốt có cái tên hay dự án đưa lên không biết có được hay không hay chuẩn bị kỹ càng mà không được thì "xôi hỏng, bỏng không".
Sau đó khi dự án được ghi vào danh mục, bố trí vốn, quá trình đi vào triển khai do không được chuẩn bị kỹ càng, tốt từ ban đầu nên đã phát sinh rất nhiều vướng mắc, bất cập.
Nếu như tiếp tục triển khai theo những thứ "sơ sài" như vậy trong khi quy định, việc thực hiện các dự án ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi cao hơn thì dự án sẽ không đảm bảo yêu cầu, chất lượng.
Nếu triển khai rất có thể dẫn tới sai phạm và những người liên quan quá trình chuẩn bị sẽ phải xem xét trách nhiệm. Do đó một số bộ, ngành, địa phương không thể hay không dám triển khai các dự án đó.
Thêm vào đó, thời gian qua với việc xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cố ý làm trái trong các lĩnh vực, trong đó có đầu tư đã khiến một số người có tâm lý lo lắng, sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị xử lý hành chính hay hình sự. Từ đó mới dẫn đến câu chuyện không chắc chắn, không an toàn thì trả lại vốn.
Việc trả lại vốn dẫn đến câu chuyện "có tiền mà không tiêu được", hiệu quả đồng vốn không được phát huy và từ đó gây ra sự tiêu cực, lãng phí rất lớn, làm chậm quá trình phục hồi, phát triển của đất nước.
Song cần nhìn nhận việc này cũng cho thấy các quy định, quy trình về chuẩn bị, quản lý dự án của chúng ta đã tốt, chặt chẽ hơn. Những dự án không hiệu quả, có khả năng lãng phí sẽ không được, không dám triển khai.
Với yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được trả lại vốn đầu tư công năm 2023 của Thủ tướng cho thấy sự đề cao trách nhiệm hơn nữa của các đơn vị này.
Trong đó với các dự án nào cần thiết, phục vụ cho yêu cầu phát triển, nếu chuẩn bị chưa tốt, chưa đúng phải cấp tốc chuẩn bị lại, nâng chất lượng để triển khai hiệu quả. Không được lấy lý do này, lý do khác hay thể hiện tâm lý lo lắng, sợ sệt ra để "làm bia đỡ".
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, đặc biệt ngay từ đầu năm Thủ tướng đã đi thị sát, trực tiếp chỉ đạo một số dự án, công trình trọng điểm và phân công các phó thủ tướng, lập năm tổ công tác tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn.
Điều này đã giúp tạo ra những dấu hiệu tích cực trong ý thức trách nhiệm, triển khai của các bộ, ngành, địa phương. Với quyết tâm cao của Thủ tướng, Chính phủ, chúng ta kỳ vọng thời gian tới kết quả giải ngân sẽ tích cực, mạnh mẽ hơn, đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao.
Thủ tướng yêu cầu giải ngân vốn phải đạt ít nhất 95% tổng số vốn Quốc hội phân bổ trong năm nay. Trong khi đó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đã xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm.
Xem thêm: mth.75962419052303202-coud-ueit-gnohk-am-neit-oc-eht-gnohk/nv.ertiout