Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Nhà nước không sớm có các giải pháp đồng bộ, nhiều vùng chăn nuôi sẽ sớm bị xóa sổ.
Mỗi lứa gà lỗ đến 4-5 tỉ
Khác với không khí nhộn nhịp thường thấy, thời gian qua, trang trại nuôi gà với diện tích gần 10ha, có vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng của ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trở nên đìu hiu bởi cả chục chuồng nuôi trống không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngọc cho biết trại gà có quy mô hơn 100.000 con gà thịt nhưng do thua lỗ nặng nên phải ngưng nuôi từ hơn 2 tháng qua.
Ông Ngọc tính toán giá thức ăn chăn nuôi hiện ở mức bình quân 13.500 đồng/kg. Để cho ra 1kg gà thịt gà công nghiệp cần từ 1,6kg thức ăn (khoảng 21.500 đồng). Như vậy, con gà 2kg tốn khoảng 43.000 đồng tiền thức ăn, cộng 5.000 đồng tiền con giống, thêm chi phí thú y, điện nước, lao động… cũng 53.000 - 55.000 đồng/con.
Trong khi đó, giá gà thịt hiện chỉ ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg (46.000 - 49.000 đồng/con). Mỗi con gà xuất chuồng, người nuôi lỗ khoảng 4.000 - 5.000 đồng.
"Một lứa gà nuôi chưa tới 2 tháng nhưng trại tôi đã lỗ lên đến 4 - 5 tỉ đồng, tương đương một căn chung cư ở TP.HCM hoặc một lô đất. Vì vậy đành phải ngưng, chứ lỗ kiểu này không thể nào gồng được", ông Ngọc nói.
Cũng trong hoàn cảnh thua lỗ triền miên vì giá heo xuống dưới giá thành chăn nuôi trong gần cả năm qua, ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại Hoa Phượng (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cho biết phải cố gắng nuôi vì ngoài hàng nghìn con heo thịt, ông còn đàn nái 500 con.
Lắc đầu ngao ngán, ông Thắng cho biết nhờ con giống tự sản xuất nên giá thành khoảng 1,2 triệu đồng/con, thấp hơn so với khoảng 1,4 triệu đồng của bên ngoài. Tuy nhiên, do giá thức ăn tăng cao, để có con heo 100kg, hiện ông phải tốn hơn 5,2 triệu đồng.
"Với giá bán hiện chỉ 48.000 đồng/kg, tôi đã lỗ 400.000 đồng/con. Nếu cộng thêm các khoản chi khác như điện, nước, nhân công... thì khoản lỗ sẽ cao hơn rất nhiều", ông Thắng tính.
Tương tự, sau thời gian neo cao các năm trước, giá bò hơi đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Minh Đoan (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) cho biết 1-2 năm trước, giá bò hơi có thời điểm lên 85.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm dần và hiện còn mức 65.000 - 70.000 đồng/kg, khiến nhiều người nuôi thua lỗ.
"Không chỉ giá rẻ, nhiều thời điểm thương lái còn chê ỏng ẹo, không chịu mua vì bò trong nước không đẹp, không rẻ bằng bò nhập từ Campuchia về vỗ béo", ông Đoan than.
Không chỉ nông dân, đại diện nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, bán lẻ lớn như C.P, Japfa... cho biết dù đã tinh giảm chi phí đầu vào xuống mức thấp nhất nhưng có lúc vẫn gặp khó do nhu cầu thị trường giảm, giá heo, gà bán ra nhiều lúc dưới giá thành sản xuất.
Chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ sớm bị xóa sổ
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, vài năm trước chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 70% tổng đàn heo của tỉnh, nhưng giờ chỉ còn khoảng 20 - 30%/tổng đàn 2,7 triệu con, còn lại đã rơi vào tay các doanh nghiệp.
"Nếu tình hình này kéo dài, lượng heo nuôi từ trại nhỏ lẻ trong năm tới chắc chỉ còn chiếm khoảng 10 - 15%/tổng đàn, thậm chí nhiều vùng nuôi lớn sẽ bị xóa sổ vì người dân bị thua lỗ kéo dài, không có vốn tái đầu tư", ông Đoán nhận định.
Cũng theo ông Đoán, việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi rất cần thiết lúc này, nhưng tác động đến tay người nuôi nhỏ lẻ chưa nhiều. Do đó, cần thêm các giải pháp khác.
Tương tự, theo TS Nguyễn Quốc Đạt - phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, do khó khăn kéo dài nên từ 4 triệu hộ chăn nuôi trước đó hiện cả nước chỉ còn 2 triệu hộ. Đây thật sự là một vấn đề quan trọng cần tìm ra giải pháp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - cho rằng các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động được nguồn con giống, thức ăn, có quy trình nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật tốt... nên giá thành sản xuất thường thấp hơn nhiều so với nông hộ.
Do đó, với giá bán thấp kéo dài hiện nay, người nuôi nhỏ lẻ sẽ không thể tồn tại.
Cần sớm có giải pháp đồng bộ để cứu ngành chăn nuôi
Theo TS Nguyễn Quốc Đạt, dễ dàng nhận thấy do giá thức ăn quá cao mà giá bán đầu ra lại thấp, dẫn đến thua lỗ nặng nề và kéo dài. Vì thế, bài toán đặt ra là phải giảm chi phí sản xuất để giảm lỗ.
Ngoài ra, đang có một số vấn đề về thị trường đầu ra cũng sớm cần tìm giải pháp.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài việc tiết giảm giá thành bằng cách tăng chăn nuôi theo mô hình tuần hoàn, tăng sử dụng phế phụ phẩm trong nước làm thức ăn chăn nuôi, Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Để công bằng với ngành chăn nuôi trong nước, Nhà nước cần có giải pháp siết chặt thị trường thịt nhập khẩu, sản phẩm đông lạnh nhập khẩu với giá rẻ, chất lượng trôi nổi hiện nay.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo gửi Bộ Tài chính liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam về việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Xem thêm: mth.2202446152303202-gnouhc-oert-ag-oeh-ioun-nahc-id-ar-it-neit/nv.ertiout