Tính từ ngày ra đời trong căn cứ kháng chiến, đến nay Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã đi qua hành trình nửa thế kỷ gắn bó với nhiệm vụ đào tạo cán bộ Đoàn - Hội - Đội không chỉ cho TP.HCM mà còn nhiều tỉnh thành khác.
Từ căn cứ, Trường Đoàn Lý Tự Trọng ra đời
Có thể nói Trường Đoàn Lý Tự Trọng là nét riêng của Thành Đoàn TP.HCM. Bởi lẽ trong hệ thống các tỉnh, thành đoàn cả nước, chỉ duy nhất TP.HCM có ngôi trường dành riêng đào tạo cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu nhi trực thuộc tổ chức Đoàn.
Ngôi trường ra đời vào dịp thành lập Đoàn năm 1973, huấn luyện đội ngũ cán bộ phục vụ cách mạng.
Trong ký ức của ông Hoàng Đôn Nhật Tân - một trong những hiệu trưởng của trường, những lớp học đầu tiên của trường trong căn cứ dù còn che mặt để đảm bảo nguyên tắc bí mật song đã được tổ chức bài bản, trang bị lý luận cơ bản, sẵn sàng đấu tranh trực diện cho cán bộ, chờ thời cơ tổng tiến công và nổi dậy.
Song với thời cuộc hiện nay, ông nói trường cần lắng nghe sự thay đổi của xã hội hôm nay và nắm bắt tâm lý thanh niên. Có vậy mới đào tạo và cho ra những thế hệ cán bộ Đoàn tốt.
"Bối cảnh xã hội chuyển động không ngừng, sự tác động của công nghệ, đặc biệt với thế hệ Z, chúng ta cần những công trình nghiên cứu khách quan và khoa học mới có thể đồng hành, làm bạn với thanh niên" - ông Tân chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng Huỳnh Ngô Tịnh cho biết hơn 250.000 lượt cán bộ Đoàn - Hội - Đội đã học tập, bồi dưỡng, tập huấn dưới mái trường này. Tuy nhiên, trường luôn tự ý thức và thường xuyên chuẩn hóa nội dung, chương trình sao cho đáp ứng yêu cầu đặt ra.
"Chúng tôi vẫn đang rà soát, sẽ tiếp thu ý kiến từ hội thảo để hoàn thiện, sao cho cân bằng đào tạo giữa lý luận - nghiệp vụ - kỹ năng công tác", anh Tịnh nói.
Nhiều đặt hàng với Trường Đoàn Lý Tự Trọng
Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức nói cùng với đào tạo, trường hãy truyền cho các bạn tâm thế làm cán bộ Đoàn vì nhiều bạn chưa sẵn sàng mà "bị làm cán bộ Đoàn".
Chia sẻ quan điểm, anh Nguyễn Đăng Khoa, bí thư Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM, kỳ vọng trường thiết kế chương trình sao cho "người học muốn học, có động lực đi học".
Theo đó, cần mở rộng mạng lưới giáo viên, báo cáo viên từ cựu cán bộ Đoàn, người có tình cảm với Đoàn hơn là chỉ dựa vào nguồn giáo viên cơ hữu của trường.
Cho rằng "đào tạo kỹ năng cũng phải là kỹ năng mang tính xu thế, phù hợp thời đại và nhu cầu thanh niên", Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Nai Nguyễn Minh Kiên đề xuất trường có những tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn của Đoàn tại TP.HCM.
Đó sẽ là những bài học bổ ích cho nhiều nơi khác.
Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đoàn Lý Tự Trọng - ông Phạm Chánh Trực - cũng thẳng thắn chỉ ra nội dung đào tạo của trường chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.
"Cần đi từ lý luận cơ bản. Đào tạo cán bộ Đoàn phải biết lịch sử, nắm chắc, có thể thông qua hội thảo, tọa đàm, bình luận lịch sử chứ không phải học như trường phổ thông" - ông Trực bổ sung.
Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương cho biết: không chỉ đào tạo cán bộ làm công tác thanh niên cho TP.HCM và các tỉnh, gần đây trường còn hỗ trợ đào tạo cho các địa phương Champasak và Attapeu của nước bạn Lào.
"Những điều này đặt ra câu hỏi sau 50 năm, hướng đi của ngôi trường đặc biệt này sẽ là gì và phải trả lời được điều đó. Thành Đoàn cũng sẽ nghiêm túc lắng nghe, cùng trường tìm hướng đi sắp tới" - chị Phương phát biểu.
TTO - Đây là chủ đề xuyên suốt câu chuyện của nhiều thế hệ cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu nhi của TP.HCM khi ngồi bên nhau nhân kỷ niệm 45 năm thành lập ngôi trường này.
Xem thêm: mth.17370057152303202-nein-hnaht-ob-nac-oat-mou-man-05-gnort-ut-yl-naod-gnourt/nv.ertiout