Tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM), một số tiểu thương bán trái cây phải trưng bảng ghi rõ “dâu ngọt Mộc Châu” sau khi có thông tin về việc nhiều người tiêu dùng nghĩ đây là dâu tây Trung Quốc. Dâu tây Mộc Châu (tỉnh Sơn La) có giá từ 300.000-350.000 đồng/kg, thuộc dạng không rẻ.
Chị Hà - chuyên bán trái cây ở chợ An Đông (quận 5, TPHCM) - cho biết, nhiều khách có tâm lý e ngại trái cây Trung Quốc, cứ hỏi đi hỏi lại để chắc chắn trái cây Việt Nam mới chịu mua: “Có khách cầm lên xem rồi đặt xuống, không mua vì tưởng là dâu, nho của Trung Quốc dù tôi đã giải thích rõ, thậm chí chỉ cách phân biệt”.
Tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM) trưng bảng ghi “dâu ngọt Mộc Châu” để người tiêu dùng không nhầm với dâu Trung Quốc - Ảnh: N.C |
Theo ông Nguyễn Văn Thụy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dâu tây Inchi Farm (tỉnh Sơn La) - dâu tây giống Hana của Nhật Bản được trồng ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn mấy năm nay nhưng khi đưa ra thị trường, nhiều người vẫn nhầm là dâu Trung Quốc. Quả dâu Trung Quốc thon dài, to, màu đỏ hồng không đều, có vị chua, nhạt còn quả dâu Hana Sơn La tròn, dẹt, màu đỏ sẫm, khi chín có màu đỏ tím, vị ngọt thanh, thơm. HTX này thu hoạch khoảng 31 tấn dâu/ngày, giá sỉ 30.000-40.000 đồng/kg (trái nhỏ), 70.000-80.000 đồng/kg (trái lớn). Giá bán lẻ cao là do bị cộng thêm chi phí vận chuyển bằng máy bay.
Ông cho biết, mùa vụ thu hoạch dâu tây Sơn La là từ tháng 1-4 dương lịch và phải bán ngay trong ngày chứ không để qua hôm sau được. Do trái tươi, các nhà vườn không dùng các biện pháp bảo quản nên nếu mua ăn ngay sẽ ngon hơn; nếu bảo quản trong tủ lạnh thì được khoảng 2 ngày. Có thời điểm, sức tiêu thụ loại trái này rất tốt, có khách ở miền Bắc đặt mua 5 tấn/ngày, khách ở TPHCM mua 5 tạ/ngày. Do năm nay, sản lượng lúc chính vụ nhiều nên giá dâu khá thấp.
Chị Bùi Phương Thanh - Chủ nhiệm HTX mận Sơn La - cho biết, HTX có trồng 1ha dâu Hana, chủ yếu bán ở thị trường miền Bắc, khoảng 200kg/ngày, giá bán từ 50.000-250.000 đồng/kg tùy kích cỡ trái. Loại dâu 14-16 trái/kg có giá tại vườn 250.000 đồng/kg nhưng sản lượng ít, giá bán lẻ ngoài thị trường 400.000-500.000 đồng/kg. Loại dâu này ngọt, thơm mùi sữa nên khách rất thích, còn dâu Trung Quốc có vị nhạt, giá chỉ 25.000-30.000 đồng/kg. Dâu Trung Quốc tươi lâu, còn dâu Sơn La mau chín, dễ hỏng, tỉ lệ hao hụt cao nên người bán phải bù hao hụt 1 - 2kg nếu khách mua 30kg.
Theo đại diện Liên hiệp HTX Dâu tây tỉnh Sơn La, đơn vị này có khoảng 200ha dâu giống Nhật Bản, thu hoạch khoảng 1.000 tấn/vụ, tiêu thụ hết trong từng ngày thu hoạch, không bị tồn hàng. Nhiều hộ trồng dâu tây ở tỉnh Sơn La cho biết, có thời điểm, việc tiêu thụ dâu bỗng khó hơn do người tiêu dùng nhầm lẫn với dâu Trung Quốc, nhưng những ngày gần đây, tình hình đã được cải thiện.
Trước đây, trái dâu tây, nho Ninh Thuận cũng từng bị nhầm là nho Trung Quốc. Ông Phạm Châu Hoành - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Nho và Táo Ninh Thuận - cho rằng, đó là do nhiều người không tìm hiểu kỹ. Mùa vụ của nho Ninh Thuận từ tháng 2-6 dương lịch hằng năm, còn nho Trung Quốc cho trái quanh năm, thường nhập về Việt Nam vào những tháng mưa, lúc không có nho Ninh Thuận. Giá nho Ninh Thuận luôn cao hơn từ 10.000-20.000 đồng/kg so với giá nho Trung Quốc. Giá nho bán tại vườn là 50.000 đồng/kg nho đỏ, 70.000 đồng/kg nho xanh, 100.000-120.000 đồng/kg nho NH 01-152 (giống mới) còn giá bán lẻ nho Trung Quốc chỉ 50.000 đồng/kg.
“Nho Ninh Thuận đã được cấp giấy chứng nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm nho mà mình kinh doanh và phát nhãn chỉ dẫn địa lý cho hộ kinh doanh dán trên sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết nho Ninh Thuận, không nhầm nho Trung Quốc” - ông Phạm Châu Hoành nói.
Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM - nhận định: “Người tiêu dùng tin cậy vào cơ quan chức năng chứ khó tự mình nhận diện, phân biệt được hết xuất xứ từng loại trái cây, nhất là khi sản phẩm đã bị bóc, đánh tráo bao bì. Lực lượng chức năng cần kiểm soát cả chuỗi cung ứng, mới làm giảm tình trạng nhập nhèm giữa nho, dâu, hồng, khoai tây, cà rốt trong nước với hàng nhập khẩu”.
Ông cho biết thêm, luật pháp các nước phát triển quy định rất rõ ràng mức xử phạt đối với các hành vi giả mạo xuất xứ, đánh tráo bao bì, nhãn hàng hóa. Hệ thống quản lý các nước này cũng áp dụng việc quản lý chuỗi cung ứng điện tử, giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kịp thời phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm. Ngoài dùng mã QR, họ còn dùng micro-chip, thẻ RFID, công nghệ DNA…
Không ai kiểm soát được từng quả nho, dâu, hồng… mà chỉ kiểm soát thông tin trên bao bì sản phẩm. Nếu người bán cố tình bóc, tráo bao bì thì người tiêu dùng khó biết được nguồn gốc sản phẩm. Do đó, để tránh tình trạng nhập nhèm, nhầm lẫn xuất xứ sản phẩm, cần kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng sản phẩm từ đầu vào (trang trại sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu) và truy xuất xuyên suốt đến tận điểm bán lẻ. Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM |
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.4797841a-nab-ohk-ion-yac-iart-ux-taux-mahn-ib/nv.moc.enilnounuhp.www